Bạc Liêu: Cần làm rõ một số nội dung liên quan đến việc thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công

Thành Nhớ| 07/04/2022 15:03

BVCL - Như Báo Công lý đã phản ánh về việc một liệt sĩ bị thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công ngày 2/4, quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên phát hiện nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ từ nội dung đơn tố cáo, kết quả giải quyết, trình tự, thẩm quyền giải quyết…

20220330_133322.jpg
Bà Nguyễn Thị Nuôi khẳng định với phóng viên Báo Công lý là ông Mừng hy sinh khi đang tham gia kháng chiến với công việc kinh tài, thu gom đảm phụ và ông Triệu tố cáo không đúng sự thật

Trước đó, vào năm 1979, ông Bùi Văn Triệu, Trưởng Ban Thương binh và xã hội xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lợi đứng đơn cùng 18 người tố cáo ông Hồng Văn Mừng (sinh năm 1919, ngụ ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải, nay là ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) “Đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đầy” không đủ tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Đến ngày 24/3/1983, qua “xác minh”, UBND xã Minh Tân có Bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ra Quyết định thu hồi sổ liệt sĩ và không công nhận ông Hồng Văn Mừng là liệt sĩ.

Điều đáng nói là trong quá trình xác minh, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Minh Hải và UBND huyện Vĩnh Lợi không có bất cứ bằng chứng nào để chứng minh rằng ông Mừng có “Đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đài” như đơn tố cáo?

Dù không có bằng chứng chứng minh ông Mừng “Đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đài” nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải lại ban hành Quyết định số 75-TBXH/83 ngày 04/06/1983, về việc rút hồ sơ trợ cấp của gia đình liệt sĩ Hồng Văn Mừng và thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công số 3x.451k với lý do: “Trường hợp chết của ông Mừng lúc nghỉ công tác, địch biệt kích bắn chết nên không đủ tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ”.

Như vậy có thể khẳng định rằng ông Triệu và những người đứng đơn đã có dấu hiệu vu khống cho liệt sĩ Hồng Văn Mừng. Điều khó hiểu là tại sao các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Minh Hải nay do tỉnh Bạc Liêu thụ lý không làm rõ vấn đề này? Không có bằng chứng chứng minh ông Mừng “Đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đài” thì tại sao lại “lái” sang ông Mừng bị biệt kích bắn chết trong khi đã nghỉ công tác? Vấn đề này có cơ quan nào có thẩm quyền chứng minh và xác nhận chưa, hay chỉ dựa vào lá đơn “mập mờ” do ông Triệu lập ra? Ngoài ra, trong thời gian ông Mừng tham gia cách mạng thì ông Triệu không có mặt tại địa phương hoặc có tham gia cho chế độ nào không? Về thời điểm ông Mừng hy sinh thì ông Triệu còn rất nhỏ thì làm sao hiểu được quá trình tham gia cách mạng của ông Mừng. Thậm chí chính ông Triệu vừa là người đứng đơn tố cáo cũng chính là người làm “tham mưu” ra Quyết định rút Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng, vậy có khách quan trung thực hay không?

Trong danh sách đơn tố cáo 18 người thì có hơn 1/3 là người thân của ông Triệu và những người phục vụ cho chế độ cũ, người không rõ nơi cư trú… thậm chí có những người khẳng định họ không đứng đơn tố cáo như danh sách của ông Triệu lập ra. Khi ra quyết định rút Bằng Tổ quốc ghi công thì tại sao không trao quyết định cho gia đình liệt sĩ Hồng Văn Mừng mà chỉ thông báo “miệng” là “giải quyết đúng theo quy định pháp luật”? Liệu có cái Quyết định để rút rút Bằng Tổ quốc ghi công hay không? Nghiêm trọng hơn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải có đủ thẩm quyền để ra quyết định về việc rút hồ sơ trợ cấp của gia đình liệt sĩ Hồng Văn Mừng và thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam ký hay không?

Hàng loạt câu hỏi nghi vấn này đến nay đã gần 40 năm vẫn chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào đi tìm câu trả lời thỏa đáng cho gia đình của liệt sĩ Hồng Văn Mừng.

Liên quan đến vụ việc, chiều ngày 05/04, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có cuộc họp thống nhất thành lập Tổ công tác tiến hành xác minh làm rõ vụ việc.

Tổ công tác gồm: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Tỉnh Đội Bạc Liêu, Công an tỉnh Bạc Liêu, Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Thanh tra tỉnh Bạc Liêu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu, UBND huyện Hòa Bình, UBND xã Vĩnh Bình.

Theo hồ sơ vụ việc, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Hồng Văn Mừng (sinh năm 1919, ngụ ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Minh Hải, nay là ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), tham gia cách mạng ở địa phương với vai trò phụ kinh tài, thu đảm phụ.

Ngày 19/9/1970, trong cuộc họp của tổ chức cách mạng của xã Vĩnh Mỹ B và ấp Mỹ Phú Nam tại nhà ông Năm Tốt, trong lúc họp bị giặc phát hiện và bao vây, ông Mừng chạy qua sông ra phía sau ruộng, nhà ông Tám Lung (nay là nhà của ông Trương Văn Đương, ở ấp Mỹ Phú Nam) thì bị lính đơn vị 915 Phước Long bắn chết. Sau khi bị bắn chết, giặc lấy của ông Mừng 01 chiếc Radio và một thùng sắt đựng tài liệu và tiền thu gom đảm phụ cho cách mạng.

Sau khi đất nước độc lập, năm 1976 ông Mừng được Đảng và Nhà nước công nhận là liệt sĩ, có cấp Bằng Tổ Quốc ghi công, đồng thời tỉnh Minh Hải, cấp cho mẹ và vợ ông Mừng sổ gia đình liệt sĩ.

Bất ngờ đến năm 1983, ông Bùi Văn Triệu, Trưởng Ban Thương binh và xã hội xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lợi đứng đơn cùng 18 người tố cáo ông Hồng Văn Mừng, “Đầu hàng giặc, chiêu hồi và bị bắt tù đầy”. Đồng thời ông Triệu làm tham mưu cho UBND xã Minh Tân đứng ra họp dân và đề nghị UBND huyện Vĩnh Lợi và Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Minh Hải (nay tách ra thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau) ra Quyết định rút Bằng Tổ quốc ghi công của ông Mừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bạc Liêu: Cần làm rõ một số nội dung liên quan đến việc thu hồi Bằng Tổ quốc ghi công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO