Chiều muộn ngày 14/9, cơn mưa cực lớn làm hầu hết các tuyến đường nội ô TP Bạc Liêu chìm ngập trong biển nước. Dù trước đó, một số tuyến đường đã được các đơn vị liên quan thực hiện dự án chống ngập như sửa chữa, nâng cấp, nạo vét, khai thông cống thoát nước.
Theo đó, sau cơn mưa lớn chiều cùng ngày, hầu hết các tuyến đường ở trung tâm TP Bạc Liêu ngập lênh láng, có nơi ngập sâu hơn 40cm. Những hộ dân buôn bán, sinh sống tại vị trí này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, ngay giờ tan tầm, nhiều lao động, học sinh… ra về càng thêm khổ sở.
Những con đường chính như Trần Phú, Trần Huỳnh, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Hòa Bình, Võ Thị Sáu, Ninh Bình, quảng trường Hùng Vương... đều bị ngập sâu. Rất nhiều xe máy bị chết máy, người dân phải dắt bộ, học sinh và phụ huynh ra về phải lội nước. Mỗi khi có xe chạy qua, tạo thành các đợt sóng, làm nước tràn vào nhà, của hiệu, trụ sở cơ quan, trường học… gây thiệt hại tài sản. Nghiêm trọng hơn, nước từ cống rãnh, đủ loại rác thải đen ngòm, hôi thối tràn vào, làm đảo lộn sinh hoạt của mọi người.
Trước đó, với mục tiêu nâng cao hiệu quả và khả năng chống ngập, UBND TP Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch chống ngập. Theo kế hoạch, nhiều tuyến đường, hệ thống thoát nước đã được đầu tư. Trong đó, tập trung ở 3 tuyến đường chính là Trần Phú, Võ Thị Sáu, Lê Duẩn và các tuyến đường trong khu dân cư phường 2 (đường Ninh Bình, Trần Hồng Dân, Nguyễn Lương Bằng).
Để thực hiện kế hoạch này, UBND TP. Bạc Liêu giao Phòng Quản lý đô thị thành phố chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sau cơn mưa cực lớn chiều muộn, nhiều tuyến đường đã sửa chữa, nâng cấp vẫn chìm trong biển nước. Đến hơn 18h cùng ngày, dù mưa đã ngớt nhưng nhiều tuyến đường nội ô TP Bạc Liêu vẫn còn ngập sâu, sinh hoạt của người chưa ổn định lại được.
Từ lâu, ngập lụt đã trở thành vấn nạn, đòi hỏi lãnh đạo TP Bạc Liêu phải nhìn nhận nghiêm túc về hiệu quả của các dự án chống ngập mà thành phố đã và đang triển khai. Ngoài những nguyên nhân khách quan như do địa hình, biến đổi khí hậu, đô thị hóa tăng nhanh… thì nguyên nhân chủ quan khác là sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành, địa phương còn bất cập, lúng túng. Ngoài ra, trình độ đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác quản lý, điều hành những dự án chống ngập còn hạn chế…
Dẫu biết rằng việc chống ngập còn rất khó khăn, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, triều cường thường xuyên dâng cao, đòi hỏi sự chung tay góp sức của tất cả người dân. Tuy nhiên, người dân cũng mong mỏi, trông đợi những quyết sách quyết liệt của chính quyền TP Bạc Liêu phát huy hiệu quả. Những nơi đã đầu tư các dự án chống ngập, nâng cấp phải hết ngập, để xứng đáng với số tiền lớn đã đầu tư.