Báo Công lý nhận được công văn phản hồi của UBND huyện Bình Chánh về việc thông tin kết quả kiểm tra, xử lý các trường hợp ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B theo đề nghị cung cấp thông tin của phóng viên.
Qua kiểm tra, rà soát, đồng thời xét tờ trình của Phòng TN&MT, UBND huyện Bình Chánh thông tin cụ thể như sau:
Trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B, các đơn vị vi phạm pháp luật môi trường bị kiểm tra, xử lý gồm: khu vực Tổ 17, Ấp 5 có 10 Công ty, cơ sở hoạt động ngành nghề tái chế kim loại và phân loại phế liệu. Khu vực Tổ 20, Ấp 1A có Công ty TNHH Sản xuất Trường Thịnh, hoạt động gia công giặt, sấy quần jeans và Công ty TNHH Sản xuất Hạt nhựa Quang Minh, ngành nghề hoạt động tạo hạt nhựa (mút sốp). Khu vực đường Liên Ấp 1-2 có 9 công ty, cơ sở, các đơn vị này hoạt động ngành nghề như xay nhựa phế liệu, lưu chứa, phân loại phế liệu, wash, giặt sấy quần áo. Khu vực Tổ 5, Ấp 6A (đoạn Trần Hải Phụng), có hộ kinh doanh Đào Thị Liên hoạt động xay, rửa, tái chế ni lông phế liệu.
Sau khi nhận được phản ánh, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo Phòng TN&MT kết hợp với UBND xã Vĩnh Lộc B nhanh chóng kiểm tra, rà soát, xử lý các công ty, cơ sở, hộ kinh doanh có vi phạm. Qua đó, các phản ánh của Báo Công lý đã được chính quyền cầu thị tiếp thu, trả lời kịp thời, tạo điều kiện cho phóng viên phản hồi nhanh chóng đến người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.
Cũng theo công văn này, trước đó qua kết quả kiểm tra, xử lý từ ngày 15/10/2021 đến ngày 31/5/2022, thực hiện Chỉ thị số 06/CT/HU của Ban Thường vụ, 5 Tổ kiểm tra liên ngành của UBND huyện Bình Chánh đã kiểm tra đối với 265 cơ sở hoạt động kinh doanh sản xuất trên địa bàn huyện, trong đó có 26 trường hợp đã di dời. UBND huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường 52 trường hợp, với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Tổ liên ngành chuyển Công an huyện Bình Chánh kiểm tra, xác minh theo thẩm quyền 4 trường hợp trên địa bàn xã Vĩnh Lộc B. Trong đó, có một trường hợp bị Cơ quan CSĐT Công an huyện kiến nghị khởi tố, hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra, xử lý.
Trong thời gian tới, để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, UBND huyện tiếp tục thực hiện quyết liệt Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 30/11/2021 qua các giải pháp như: đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường đến từng hộ gia đình, cá nhân, đơn vị sản xuất bằng nhiều hình thức; các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiến hành phân loại, tập trung xử lý dứt điểm.
Ngoài ra, tăng cường phối hợp rà soát, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện ngay từ đầu các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó, UBND huyện đề xuất danh sách UBND TPHCM phê duyệt theo lộ trình từng năm, đồng thời tiếp tục phối hợp với Heppza và các công ty đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có cơ chế hỗ trợ địa điểm tiếp nhận và chính sách di dời phù hợp.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Thái Nguyên - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết “Việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về môi trường còn gặp nhiều khó khăn, hiện nay phần lớn xử lý vi phạm hành chính phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm môi trường, kể cả tăng cường xử lý kết hợp nhiều biện pháp về đất đai, xây dựng, PCCC… Tuy nhiên, để đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả và có sức răn đe thì thực hiện biện pháp đình chỉ hoạt động gắn với việc ngưng cung cấp nước, ngưng cung cấp điện phục vụ sản xuất sẽ phù hợp hơn”.
Nhìn chung, kết quả kiểm tra, xác minh đối với các hình ảnh, địa điểm do phóng viên cung cấp, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh đã đôn đốc lãnh đạo UBND xã Vĩnh Lộc B xử lý kịp thời, tạo dư luận tốt cho xã hội, rất đáng hoan nghênh. Đồng thời, UBND huyện đã tạo điều kiện cho phóng viên phản hồi nhanh chóng đến đọc giả, xoá nghi ngờ có bao che của chính quyền địa phương đối với đơn vị vi phạm.