Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn có trên 98.000 ha diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 89% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích rừng sản xuất lớn, nguồn lao động dồi dào là lợi thế để địa phương này phát triển lâm nghiệp.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế rừng gắn với phát triển rừng bền vững. Qua đó góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đồng thời không ngừng nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn huyện.
Xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia là một trong nhiều xã trên địa bàn thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế từ rừng trồng. Tận dụng lợi thế của địa phương, trong những năm qua xã đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước, đồng thời mở ra hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Cuối năm 2022, toàn xã có trên 750 ha rừng trồng, trong đó riêng cây quế có diện tích khoảng 600ha, còn lại là diện tích trồng hồi, keo và một số cây lâm nghiệp khác như mỡ, lát hoa...
Điển hình có gia đình chị Triệu Thị Tuyết, thôn Vằng Ún, xã Vĩnh Yên, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, có hơn 10 ha rừng quế được từ 1 đến 8 tuổi. Hiện nay diện tích quế của gia đình chị đang bắt đầu cho khai thác, mỗi năm chị khai thác tỉa được từ 20 đến 30 triệu. Trong thời gian tới, chị và gia đình tập trung phát cỏ trên diện tích trồng mới, chăm sóc bón phân cho diện tích đã được khai thác.
Cũng giống như xã Vĩnh Yên, người dân xã Tân Hòa, huyện Bình Gia cũng chú trọng phát triển kinh tế từ rừng, việc triển khai đồng bộ các dự án hỗ trợ của nhà nước giúp người dân có thêm điều kiện để đầu tư, chăm sóc diện tích rừng trồng, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn. Hiện nay toàn xã có 610 ha quế với độ tuổi trung bình từ 1 đến 10 tuổi và bắt đầu cho thu hoạch. Là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng quế, anh Đặng Hoa Lin, dân tộc Dao ở thôn Tân Tiến, xã Tân Hoà 10 năm trước đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang trồng quế tại vườn nhà. Sau khi thử nghiệm trồng và thu được lượng tinh dầu tương đối cao, cây quế sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình anh đã đầu tư trồng quế trên toàn bộ diện tích đất rừng được giao. Hiện nay, gia đình anh có trên 5ha rừng quế với hơn 15.000 cây, cho thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.
Xác định cây quế là cây thế mạnh của địa phương, UBND xã Tân Hoà đã cho cán bộ nông lâm nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế. Tuyên truyền cho bà con áp dụng kỹ thuật khoa học vào cây trồng, chăm sóc cây trồng để đem lại hiệu quả thiết thực hơn. Đến thời điểm hiện tại độ che phủ rừng của xã đạt 83,5%. Trong đó cây trồng chủ lực là cây hồi, quế, cây keo, cây mỡ… Đặc biệt đối với cây quế trồng được hơn 560 ha, thu nhập thời điểm hiện tại từ 150 đến 160 triệu/ha.
Bên cạnh cây quế, huyện Bình Gia có gần 8.600 ha rừng hồi được trồng tập trung ở các xã Quang Trung, Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Hồng Phong, Tân Văn và thị trấn Bình Gia… Để nâng cao chất lượng cây trồng, huyện Bình Gia đã chỉ đạo nhân rộng mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn 2 xã Quang Trung và Hoàng Văn Thụ và đầu tư thực hiện dự án hỗ trợ cải tạo và phát triển cây hồi ở Bình Gia. Với điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, có thể đa dạng hoá các sản phẩm nông lâm nghiệp như; hồi, quế, mỡ, keo, bạch đàn và các loại cây dưới tán khác như các loại cây dược liệu quý cũng được huyện Bình Gia đẩy mạnh, triển khai. Qua đó, giúp người dân tận dụng quỹ đất hiện có, cũng như làm đa dạng hoá các cây trồng trên cùng một quỹ đất, về lâu dài giúp người dân có thêm thu nhập.
Xác định trồng rừng là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế. Huyện Bình Gia đã định hướng, vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế, hình thành vùng trồng rừng nguyên liệu để cung ứng cho các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tại địa phương. Giai đoạn năm 2020 - 2023, tổng diện tích rừng trồng mới trên địa bàn huyện đạt trên 4.050ha.
Phát huy lợi thế sẵn có, huyện Bình Gia đã quyết liệt chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xác định cây trồng chủ lực để tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hoá từ rừng như: Vùng quế xã Vĩnh yên, Tân Hoà, Thiện Long…có diện tích trên 4000ha; vùng cây mỡ ở xã Hồng Phong, Hoa Tham, Hưng Đạo có gần 3000ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại các xã Thiện Thuật, Thiện Hoà, Hồng Thái có gần 4000ha…vùng thạch đen với gần 600ha.
Ông Hoàng Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai các biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng nông nghiệp. Khai thác hợp lý các sản phẩm từ rừng, kết hợp với công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thực hiện kế hoạch số 164 của UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Bình Gia cũng đã ban hành kế hoạch phát triển tổng thể trồng cây lâm nghiệp bền vững trên địa bàn huyện Bình Gia giai đoạn 2021 - 2024 đến năm 2030, phải đạt được trồng cây phân tán, trồng rừng, thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh, phát triển vùng nguyên liệu gỗ tập trung tại các xã có diện tích rừng lớn.
Việc sản xuất lâm nghiệp của huyện Bình Gia đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Qua đó, phần nào cải thiện đời sống cho Nhân dân, thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm./.