Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp,Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, đạt giá trị 2,02 tỉ USD, tăng 40,8% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả tích cực trên nhờ giá gạo tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022, bình quân ở mức 517 USD/tấn.
Về chi tiết các thị trường, tính đến hết tháng 4, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn và 647,5 triệu USD, tăng 40,6% về khối lượng và 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, thị trường có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 26,3 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Nga (giảm 49,8%).
Trong 3 năm gần đây, thị trường xuất khẩu gạo thuận lợi nên sản lượng đều tăng hằng năm. Cụ thể, năm 2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,15 triệu tấn; năm 2021 tăng lên 6,2 triệu tấn; năm 2022 tăng vọt lên 7,1 triệu tấn và 5 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn.
Trong khi đó, theo chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 vừa được Thủ tướng ban hành ngày 26-5 thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến chỉ xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, giá trị tương đương khoảng 2,62 tỉ USD. Điều này có nghĩa Việt Nam muốn tăng đơn giá gạo xuất khẩu bình quân lên 655 USD/tấn.
Quan điểm của chiến lược nêu rõ xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice trên thị trường thế giới, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường. Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng ngành sản xuất gạo của đất nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; lấy năng suất, chất lượng là tiêu chí hàng đầu.
Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030, tỉ trọng gạo có giá trị cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 45%; gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 10%. Đặc biệt, Việt Nam phấn đấu tỉ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu đạt trên 40%.