Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi

Thu Trang| 06/06/2021 10:29

BVCL - Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, nhiều tổ chức, cá nhân đã tranh thủ đầu cơ, tích trữ, nâng giá bán, thậm chí nâng khống giá thiết bị y tế chống dịch để thu lợi bất chính gây nhiễu loạn thị trường và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Những hành vi này đã đang và sẽ tiếp tục bị xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh phòng ngừa chung.

Trục lợi trên “nỗi đau” của cộng đồng

Trong những ngày đầu dịch bùng phát, hàng chục ngàn vụ trục lợi từ dịch bệnh Covid-19 đã bị phát hiện, xử lý kịp thời. Trong đó điển hình như mặt hàng khẩu trang, găng tay y tế, nước sát khuẩn… giá bán được đẩy lên gấp 5 - 7 lần ngày thường. Khó khăn cho người dân càng tăng lên, khi nhu cầu mua ngày một gia tăng nhưng không được đáp ứng. Dễ nhận thấy, hễ chỉ cần là sản phẩm liên quan đến phòng chống dịch là các gian thương sẵn sàng tăng giá.

anh-1-.jpg
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều tổ chức, cá nhân đã nâng giá khẩu trang và các sản phẩm sử dụng phòng, chống dịch bệnh để trục lợi

Trước thực trạng khan hiếm hàng hóa đó, nhiều hộ kinh doanh, đã tự ý gom hàng, đầu cơ tích trữ nhằm tăng giá bán khi thị trường khan hiếm để trục lợi. Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020 khi dịch mới bùng phát đã có đến hơn 6000 vụ việc bị xử phạt với những hành vi mang tính vụ lợi, đầu cơ nêu trên.

Thực tế này vén lên thực tế đau lòng về đạo đức, lương tâm của một số bộ phận người dân lại dễ dàng bị hạ bậc đến vậy. Kinh doanh, trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của xã hội, trước sinh mạng của người khác là hành vi thiếu đạo đức và cần được lên án, xử lý nghiêm để răn đe, tránh có thêm nhiều gian thương trong thời gian tới.

Tiêu biểu nhất cho hành vi trục lợi từ dịch bệnh Covid-19 đã bị xử lý nghiêm là vụ án Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội. Đây là vụ án các bị cáo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh và vụ lợi, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu giám đốc CDC Hà Nội đã bàn bạc với các bị cáo khác ấn định giá hệ thống máy móc xét nghiệm trước khi tổ chức đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu trị giá 9,54 tỉ đồng gồm: hệ thống máy Realtime PCR tự động (máy xét nghiệm Covid-19) giá 7 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động giá 1,2 tỉ đồng, hai tủ lạnh âm và một tủ mát giá 1,34 tỉ đồng. Trong khi đó, theo khai báo hải quan hệ thống máy Realtime PCR tự động có giá là 2,3 tỉ đồng, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 5,4 tỉ đồng.

anh-2.jpg
Phiên tòa xét xử vụ án tại CDC Hà Nội ngày 10/12/2020

Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang vô cùng phức tạp, cả xã hội đang chống dịch như chống giặc. Chỉ sau 9 ngày kể từ thời điểm thụ lý vụ án, TAND TP Hà Nội đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử; căn cứ kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX đã xử phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xử phạt tù có thời hạn đối với 7 bị cáo khác.

Có thể bị phạt tù lên đến 15 năm

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Phạm Ngọc Oanh, Công ty Luật TNHH Hùng Thắng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: Trong trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với thuốc, trang thiết bị y tế, nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng; Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, chứng chỉ hành nghề dược, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 50.000.000 đồng hoặc trường hợp tái phạm.

Đồng thời, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị buộc phải hoàn trả cho người mua hoặc người bán toàn bộ số tiền chênh lệch. Trường hợp không hoàn trả được cho khách hàng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

anh-3.jpg
Mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đều đáng lên án và cần tiếp tục xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh phòng ngừa chung

Theo hướng dẫn tại Tiểu mục 1.8, Mục 1 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì, người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196.”

Do đó, người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 với hình phạt tù cao nhất lên đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cũng theo Điều 196, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Có thể nói, mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đều đáng lên án và cần tiếp tục xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh phòng ngừa chung, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO