Vụ “Tranh chấp QSDĐ” giữa người dân và trường Đại học GTVT: Cần một phán quyết công tâm!

Văn Huy| 29/11/2022 11:03

BVCL - Nhiều năm qua, bà Chu Thị Lộc (82 tuổi) phải đi ở nhờ vì căn nhà tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TPHCM, đang tranh chấp bị xuống cấp trầm trọng. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Lộc vẫn mòn mỏi chờ đợi và hy vọng về bản án công tâm của Tòa.

Theo hồ sơ, ngày 10/7/1992, trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 97/QĐ về việc giao nhà thanh lý và đất để cán bộ công nhân viên (CB-CNV) tự xây dựng để ở.

anh-1-tranh-chap-qsdd-nguoi-dan-va-dh-gtvt.jpg
Năm 2014, gia đình bà Lộc nhận hơn 73 triệu đồng tiền bồi thường trong Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Lê Văn Việt.

Trong đó, ông Nguyễn Hồng Ửng (chồng bà Lộc, đã mất năm 2012), nguyên là cán bộ trường, được giao phần đất làm nhà với diện tích 150m², diện tích sử dụng thực tế là 220m², thuộc một phần thửa số 6, tờ bản đồ số 22 tại địa chỉ C1/1 đường Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức.

Sau đó, bà Lộc xây dựng tường bao và 01 căn nhà cấp 4 lợp ngói, 02 căn nhà cấp 4 lợp tôn. Trong khuôn viên còn một phần đất trống làm sân và sử dụng ổn định, không xảy ra tranh chấp.

Trong quá trình sinh sống, bà có đóng thuế. Năm 2014, gia đình bà nhận được hơn 73 triệu đồng tiền bồi thường trong Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường L Văn Việt tại phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức.

Sau nhiều năm, căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, không thể tiếp tục sử dụng được, nên bà Lộc đã làm đơn gửi UBND phường Tăng Nhơn Phú A xin sửa chữa.

Ngày 16/9/2019, Phân hiệu trường Đại học GTVT tại TPHCM có Công văn số 1573/ĐHGTVT-TP.HCM về việc ngăn chặn xây dựng, sửa chữa và sang nhượng nhà đất trái phép đối với các hộ dân đang sinh sống trên phần đất thuộc nhà trường quản lý.

Sau đó, UBND phường Tăng Nhơn Phú A không đồng ý cho bà Lộc sửa chữa nhà. Quá bức xúc, bà làm đơn khởi kiện ra TAND Quận 9 (nay là TP Thủ Đức).

Theo nội dung Bản án dân sự sơ thẩm số 1993/2021/DS-ST ngày 9/11/2021 của TAND TP Thủ Đức, Tòa chấp nhận yêu cầu của bà Chu Thị Lộc, công nhận quyền sử dụng hợp pháp nhà (diện tích 140,2m²) và đất (diện tích 221,4m²) thuộc thửa số 6-1, tờ bản đồ số 22, Bộ địa chính phường Tăng Nhơn Phú A (theo tài liệu năm 2003), nay thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức cho bà Chu Thị Lộc.

anh-2-tranh-chap-qsdd-nguoi-dan-va-dh-gtvt.jpg
Luật sư Nguyễn Duy Binh (Đoàn Luật sư TPHCM).

Bà Chu Thị Lộc được quyền liên hệ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục sang tên phần đất nêu trên theo quy định pháp luật khi án có hiệu lực pháp luật. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của trường Đại học GTVT.

Sau đó, trường Đại học GTVT kháng cáo Bản án sơ thẩm. Ngày 22/11/2021, VKSND TP Thủ Đức ban hành Quyết định số 492/QĐKNPT-VKS-DS kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 1993/2021/DS-ST ngày 9/11/2021 của TAND TP Thủ Đức.

Không đồng ý với Quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP Thủ Đức, bà Lộc tiếp tục làm đơn khiếu nại.

Theo Bản án phúc thẩm số 181/2022/DS-PT ngày 21/4/2022 của TAND TPHCM, Tòa chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND TP Thủ Đức và kháng cáo của trường Đại học GTVT, sửa bản án sơ thẩm như sau:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Chu Thị Lộc về việc yêu cầu Tòa công nhận quyền sử dụng diện tích 221,4m2, thuộc một phần thửa số 6-1, tờ bản đồ số 22, tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TPHCM.

Buộc bà Chu Thị Lộc trả lại diện tích đất 221,4m2 thuộc một phần thửa số 6-1, tờ bản đồ số 22, tại địa chỉ C1/1 Lê Văn Việt, Khu phố 2, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TPHCM. Gia đình bà Chu Thị Lộc có trách nhiệm tháo dỡ nhà và tài sản trên đất để bàn giao đất cho trường Đại học GTVT.

Sau đó, bà Lộc đã làm đơn đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án phúc thẩm số 181/2022/DS-PT ngày 21/4/2022 của TAND TPHCM và giữ nguyên Bản án số 1993/2021/DS-ST ngày 9/11/2021 của TAND TP Thủ Đức.

Mới đây, ngày 12/10/2022, Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức đã có Quyết định số 199/QĐ-CCTHADS về việc thi hành án theo đơn yêu cầu đối với bà Lộc.

Không đồng ý với quyết định trên, gia đình bà Lộc đang hoàn tất các thủ tục gửi VKSND cấp cao tại TPHCM để yêu cầu hoãn thi hành án.

“Chồng tôi một đời cống hiến, chưa đòi hỏi bất cứ điều gì. Đến khi ông mất thì chính những người trong trường lại đi khởi kiện đòi lại đất. Bản án số 1993/2021/DS-ST ngày 9/11/2021 của TAND TP Thủ Đức đã mang lại công lý, đúng với quy định pháp luật. Giờ tôi già rồi, chỉ mong Tòa án sẽ có phán quyết công minh, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình để tôi yên tâm sống quãng đời còn lại”, bà Lộc chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Duy Binh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, theo khoản 2, 3 Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP Chính phủ về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền:

Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.

Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này.

anh-3-tranh-chap-qsdd-nguoi-dan-va-dh-gtvt.jpg
Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của gia đình bà Lộc.

“Theo Quyết định số 97 của trường Đại học GTVT, việc giao đất cho gia đình ông Ửng dùng vào mục đích để ở, sử dụng ổn định, lâu dài, không có thời hạn. Về quá trình sử dụng nhà và đất, gia đình ông Ửng, bà Lộc đã sử dụng đúng mục đích, liên tục và ổn định từ năm 1992 đến nay, không có tranh chấp, tuân thủ các điều kiện, quy định tại Quyết định 97. Mặt khác, căn cứ vào quy định của Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì việc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận QSDĐ và cấp GCNQSDĐ của bà Lộc là hoàn toàn có thể được chấp nhận", luật sư Nguyễn Duy Binh nói thêm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Duy Binh, Bản án sơ thẩm của TAND TP Thủ Đức đã căn cứ vào quy định của pháp luật đất đai hiện hành và nguồn gốc, quá trình sử dụng đất hợp pháp, ổn định và liên tục từ năm 1992 đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ “Tranh chấp QSDĐ” giữa người dân và trường Đại học GTVT: Cần một phán quyết công tâm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO