Vụ 79 biệt thự không phép tại Phú Quốc (Kiên Giang): Có dấu hiệu buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng

An Dương| 06/10/2022 11:42

BVCL - Suốt thời gian dài, các “đầu nậu” ồ ạt phân lô cả đất công, thi công hạ tầng đường, điện, bán nền, xây hàng chục biệt thự tại xã Dương Tơ (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang đã lập Tổ công tác đặc biệt để giải quyết các vi phạm đất đai tại TP Phú Quốc…

79 căn biệt thự xây dựng không phép trên đất công

Ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc là một trong những điểm nóng về phân lô đất công để rao bán, xây dựng không phép. Ngày 3/10/2022, PV Báo Công lý thực tế hiện trường, thu thập nhiều thông tin về “làng biệt thự” xây dựng tự phát trên diện tích hơn 180.000 m2 với quy mô rất hoành tráng.

ha-tang-khu-biet-thu-1.jpeg
 Hệ thống hạ tầng quy mô tại khu “làng biệt thực” xây dựng tự phát.

Tại khu vực này, cơ sở hạ tầng được các đầu nậu “quy hoạch” bài bản như một đô thị hoàn chỉnh. Cụ thể, có 7 tuyến đường bê tông rộng từ 6-8m chạy song song, kết nối với trục đường lớn rất thuận tiện lưu thông. Hệ thống cột điện chạy dọc tuyến đường rất ngay ngắn. Các nền đất được quy hoạch thoáng, diện tích từ 400-1.000m2.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy đường số 1 chia làm 43 lô, trên đó có 11 căn nhà dạng biệt thự, trong đó 7 nhà đã xây xong, có các hộ dân sinh sống, 4 căn đang xây dở hoặc sắp hoàn thiện. Tuyến có nhiều nhà xây dựng xong nhất là đường số 5 với 21 căn xây xong, có người sinh sống, 2 căn đang hoàn thiện và 1 căn dang dở; các tuyến đường số 2,3,4,6,7 đều có từ 3 đến 13 căn đã xây xong hoặc đang hoàn thiện. Tổng cộng có 79 căn, hiện còn hơn 140 nền đất trống tại “làng biệt thự” đặc biệt này.

mot-can-biet-thu-hoan-chinh.jpeg
Một căn biệt thự hoàn chỉnh

Về hình thức, các căn biệt thự có quy cách xây dựng khá giống nhau, đẹp, khang trang. Ông Nguyễn Văn Dân (SN 1966, ngụ Quận 12, PHCM), chủ một biệt thự kể lại: Đầu năm 2020, thông qua môi giới đất đai, ông đến tham quan và thấy hạ tầng đã hoàn chỉnh với 7 đường lớn, đầy đủ hệ thống thoát nước, lưới điện quốc gia, có nhiều người sinh sống. Ông không thấy biển báo nào của xã Dương Tơ thông tin đây là đất công do xã quản lý.

Ông Dân được chào giá từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ/ nền tùy vào diện tích, vị trí. Việc mua bán bằng giấy tay, được lập vi bằng minh chứng giao nhận tiền. Người môi giới cho biết nguồn gốc đất khai khẩn, trưng ra xác nhận của cán bộ ấp, khi đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” sẽ ký mua bán tại UBND xã rồi sang tên.

Ông Dân cho hay, ông giao dịch trực tiếp với bà Nguyễn Thị H. mua 1 lô 800m2 với giá 4 tỷ đồng. Giấy mua bán ngày 12/3/2022 được lập vi bằng. Ông Dân quả quyết: Sau khi ký, phía bà Hằng giao nền, bảo lãnh và xây nhà với giá 1,8 tỷ đồng. Suốt 4 tháng xây nhà, xe chở vật tư ra vào liên tục nhưng không bị ai lập biên bản. Ông đến sống cũng không bị kiểm tra lưu trú...

he-thong-dien-duong-hoan-chinh.jpeg
Hệ thống điện, đường hoàn chỉnh

Nhiều hộ dân thừa nhận mua đất giấy tay từ các đầu nậu, xây dựng không phép trong thời gian dài nhưng không bị xã ngăn chặn, xử lý. Đến giữa năm 2022, khi có thông tin tỉnh Kiên Giang lập Tổ công tác đặc biệt, mới có cán bộ UBND xã Dương Tơ xuống lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lê Xuân Hồng và Nguyễn Văn Lâm.

Trường hợp ông Hồng, biên bản ngày 25/8/2022 thể hiện khu đất công đầu nậu lấy bán cho dân đã có Quyết định số 2600/QĐ-UBND ngày 14/12/2012 của UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi, giao UBND xã Dương Tơ quản lý. Xã xác định đất ông Hồng là loại “đất trồng cây lâu năm”. Ông Hồng xây nhà rộng 170,6m2 và trồng 19 cây ăn trái. Ông Hồng cho biết mua đất vào tháng 10/2019, xây nhà tốn 1,1 tỷ đồng. Sau 3 năm mới bị cán bộ xã phát hiện, lập biên bản... Các hộ dân đều nhận thức được các vi phạm hành chính nhưng mong xem xét bối cảnh và trách nhiệm cán bộ địa phương khi xử lý vụ việc.

Cần làm rõ trách nhiệm để xử lý

Ngày 7/6/2022, UBND tỉnh Kiên Giang thành lập Tổ công tác đặc biệt, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng tại TP Phú Quốc. Vấn đề đặt ra, vai trò quản lý của cán bộ địa phương đã thể hiện như thế nào trong vụ đầu nậu phân lô, làm đường điện, giao thông và rao bán đất công, xây dựng trái phép với mức độ đặc biệt lớn như vậy?

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ xác định đúng là có khu 79 biệt thự xây trên đất công do xã quản lý từ nhiều năm trước. Thời điểm đó, lĩnh vực đất đai, xây dựng được giao cho một Phó chủ tịch xã phụ trách. Xã gặp khó khăn do lực lượng mỏng, địa bàn lớn, không thể cử người theo sát được... Trước đó, xã có áp dụng một số biện pháp như phát loa, ra thông báo dán tại khu vực xây trái phép, có tiến hành cưỡng chế tháo dỡ 12 căn nhà...

Chúng tôi nêu câu hỏi có tài liệu gì chứng minh xã đã tiến hành đầy đủ các bước để xử lý mọi hành vi vi phạm? Ông Nhân cho biết khối lượng tài sản lớn nhưng người dân mua bán giấy tay, không đến chính quyền địa phương để hỏi rõ. Chính quyền đã từng tháo dỡ 12 căn, cuốc đường...

Sau khi UBND tỉnh lập Tổ công tác đặc biệt, xã phối hợp, ra thông báo yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp hồ sơ mua bán đất tại khu vực này. Có 55 người đã cung cấp giấy tờ chuyển nhượng. Hiện một số đường vào khu vực được đào hố để hạn chế đi lại, áp dụng biện áp cắt điện... Vụ việc đang được xem xét, xử lý.

ha-tang-khu-biet-thu-3.jpeg
Nhiều biệt thự mọc lên nhiều năm qua nhưng không bị kiểm tra xử lý từ đầu

Ngày 3/10/2022, cán bộ văn phòng UBND TP Phú Quốc tiếp nhận các câu hỏi PV Báo Công lý nêu ra để trình lãnh đạo xem xét trả lời. PV cũng đã liên hệ đại diện Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang tại TP Phú Quốc để thu thập thông tin, song được biết do lãnh đạo đang công tác xa nên đại diện Tổ công tác đặc biệt đã ghi nhận các vấn đề báo chí nêu, trình lãnh đạo xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ 79 biệt thự không phép tại Phú Quốc (Kiên Giang): Có dấu hiệu buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO