Đời sống

Vì sao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Bình Thuận còn thấp?

Huỳnh Sang 19/02/2024 - 17:58

Dù sản xuất kinh doanh của các dự án khá ổn định, các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng qua các năm từ 10-12%, nhưng nhiều khu công nghiệp tại Bình Thuận vẫn đang có tỷ lệ lấp đầy thấp so với quy hoạch; trong đó có nguyên nhân gặp khó về giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư…

Tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt gần 35%

Bình Thuận hiện có 9 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt chủ trương đầu tư; trong đó, 5/9 đã hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đi vào hoạt động và đã tiếp nhận các nhà đầu tư thứ cấp, gồm: KCN Phan Thiết giai đoạn 1, Phan Thiết giai đoạn 2, Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II, Sông Bình.

4 KCN còn lại triển khai chậm: KCN Tuy Phong chậm tiến độ do chưa đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật nên chưa thu hút được các doanh nghiệp thứ cấp; KCN Tân Đức và KCN Sơn Mỹ 1 được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất nên chưa đầu tư xây dựng hạ tầng; KCN Sơn Mỹ 2 mới được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư.

1-1-.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu xem mô hình khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 tại buổi lễ khởi công.

Luỹ kế đến cuối năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút được 87 dự án đầu tư; trong đó có 25 dự án nước ngoài và 62 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 16.910,18 tỷ đồng và 190,83 triệu USD với diện tích thuê đất 254,56 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 34,65%.

Nhìn chung, trong 87 dự án đầu tư thứ cấp được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, có 66 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung khai thác chế biến các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Nông sản, hạt điều, thanh long, đồ gỗ, hải sản, may mặc, giày da, giấy tự dính, đá nhân tạo, chế biến quặng sa khoáng titan…

Tình hình sản xuất kinh doanh của các dự án khá ổn định, các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng qua các năm từ 10 - 12%. Năm 2023, doanh thu đạt 9.150 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 270 triệu USD; nộp ngân sách đạt 160 tỷ đồng.

Về hiệu quả hoạt động trong các KCN, trong số các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, có khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động ổn định và số còn lại đang hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng do gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp hiện nay có quy mô tương đối nhỏ, công nghệ và sức cạnh tranh còn hạn chế, sử dụng nhiều lao động phổ thông; Lĩnh vực thương mại - dịch vụ còn chiếm tỷ trọng lớn; Một số sản phẩm chủ yếu chỉ qua sơ chế như trái cây, hải sản...

Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp ngành may mặc, da giày và gỗ gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ. Song, nhìn chung các doanh nghiệp đã có nhiều nổ lực, cố gắng để phục hồi sản xuất và có sự tăng trưởng, phần lớn hoạt động đều có lợi nhuận. Trong đó kim ngạch xuất của các doanh nghiệp trong KCN chiếm tỷ trọng khoảng 25 - 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của toàn tỉnh; Các doanh nghiệp đã giải quyết việc làm cho hơn 11 nghìn lao động và đóng góp tích cực cho ngân sách của địa phương.

2-1-(1).jpg
Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Bình Thuận vẫn còn thấp

Nếu nhìn tổng thể, tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp vẫn còn chậm; Tỷ lệ lấp đầy thấp, đa số các dự án thứ cấp có quy mô nhỏ, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ còn ít, suất đầu tư thấp. Do vị trí địa lý của tỉnh và các điều kiện về kết cấu hạ tầng đấu nối với bên ngoài (trước đây) chưa được đầu tư (cảng biển, đường cao tốc, sân bay...) nên sức thu hút đầu tư thấp.

Khơi thông ách tắc để thu hút đầu tư

Lý giải về tỷ lệ lấp đầy các KCN đến nay vẫn còn thấp, đại diện UBND tỉnh Bình thuận cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác lập, thẩm định và phê duyệt giá đất phục vụ giải phóng mặt bằng, cho thuê đất đối với các KCN mới rất chậm và còn nhiều vướng mắc phát sinh.

Công tác thu hút đầu tư vào KCN chế biến tập trung khoáng sản titan Sông Bình gặp nhiều bất cập. Theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030, tuy có tháo gỡ một bước các khó khăn vướng mắc tại quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, song vẫn còn có một số vướng mắc, bất cập.

Việc cấp phép thăm dò, khai thác mới phải gắn với chế biến sản xuất ra pigment; Lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án khai thác mới phải đủ năng lực thực hiện đồng bộ các dự án từ khâu khai thác đến chế biến sản xuất ra pigment, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn tiếp cận đầu tư ngành nghề khoáng sản, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN Sông Bình…

3(3).jpg
Bình Thuận đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp, các công ty lớn.

Việc xác định giá đất cụ thể để chủ đầu tư KCN chuyển từng phần đất thương phẩm đã trả tiền thuê đất hằng năm cho Nhà nước sang trả tiền thuê đất một lần nhằm có cơ sở cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất trả tiền một lần cho toàn bộ vòng đời dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm.

Một số chủ đầu tư hạ tầng KCN có năng lực tài chính, kinh nghiệm yếu, chưa quyết tâm đầu tư nên đã ảnh hưởng đến kết quả triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các KCN có triển khai nhưng hiệu quả chưa cao; số dự án thứ cấp thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh còn ít, đa số dự án có quy mô vừa và nhỏ, ít có dự án công nghệ cao.

Trong 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine nên các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng KCN cũng bị ảnh hưởng, kết quả thấp. Những vấn đề trên vừa là khó khăn, tồn tại và cũng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kết quả đầu tư hạ tầng và thu hút các doanh nghiệp thứ cấp có chậm so với tiến độ đã đề ra.

Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, để giải quyết căn cơ các “nút thắt” trên, hiện thực hóa kế hoạch thu hút đầu tư, địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác định lợi thế, phân tích tiềm năng, cơ hội nhằm kết nối đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh khi đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo hoàn thành;

Đổi mới, cải thiện công cụ xúc tiến đầu tư theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư; phân tích những tồn tại, yếu kém để khơi thông những ách tắc trên các lĩnh vực có liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư; Đồng thời, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, làm việc, kết nối với các tổ chức đầu mối có chức năng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin, kêu gọi đầu tư vào các KCN Bình Thuận.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải từng nhấn mạnh, địa phương có lợi thế quỹ đất lớn, giá thuê đất cạnh tranh để thu hút đầu tư, nhất là khi điểm nghẽn về hạ tầng, giao thông được tháo gỡ đã mở ra những cơ hội mới; giúp kết nối Bình Thuận với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững và thu hút nhà đầu tư chiến lược ở các lĩnh vực tiềm năng, lợi thế, tạo động lực lớn để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội và phát triển các khu công nghiệp của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Bình Thuận còn thấp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO