Kinh tế

VCCI đề xuất đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế

Nguyễn Hiền - Anh Vĩ 20/12/2024 - 11:14

Để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi thủ tục hành chính thuế, VCCI kiến nghị ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế. Hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các hệ thống này.

thue-1-.jpg
VCCI kiến nghị ngành thuế tiếp tục đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế. Ảnh minh họa

Theo thông tin tại Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững”mới đây, trong giai đoạn 2021-2024 ngành thuế đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn cho gần 3,7 triệu lượt người nộp thuế với 8 loại thuế và 36 loại phí gồm: thuế Bảo vệ môi trường, thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Tiêu thụ đặc biết, thuế Thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ, phí - lệ phí với tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã thực hiện miễn giảm, gia hạn khoảng gần 730 ngàn tỷ đồng.

Qua 4 năm thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí... đã giảm gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn đầy thách thức, kích hoạt nội lực sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tạo động lực hồi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến thu NSNN, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép” vừa triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về tài khóa của Nhà nước cho doanh nghiệp và người dân, vừa góp phần đảm bảo mục tiêu kế hoạch thu ngân sách trong giai đoạn 2021-2025.

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành thuế trong thời gian qua, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa phải phản ứng với những biến động khó lường của thị trường thế giới; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm. Doanh nghiệp phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ… Tính chung 11 tháng năm 2024, cả nước đã có tới 173.000 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những khó khăn trên, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục, tham mưu ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan. Bộ Tài chính cũng đã chủ động thực hiện những bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, được người dân, doanh nghiệp và tổ chức đánh giá cao.

ong-ta-quang-phong.jpg
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch VCCI thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù đã có những kết quả cải cách quan trọng trong công tác thuế nhưng VCCI nhận thấy vẫn còn nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục thuế. Ghi nhận mới nhất từ khảo sát môi trường kinh doanh do VCCI tiến hành trong năm 2024, vẫn có tới 31% doanh nghiệp gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Dẫn phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phòng cho biết, vẫn còn sự rườm rà trong thủ tục hành chính thuế. Dù đã có nhiều cải thiện, nhưng quy trình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế và quyết toán thuế vẫn còn phức tạp, gây mất thời gian và tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Một số quy định thuế chưa được diễn giải hoặc áp dụng thống nhất giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, dẫn đến sự thiếu minh bạch và khó dự đoán cho doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ số ở mức chưa đồng đều. Mặc dù ngành thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng không phải doanh nghiệp nào, đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cũng có đủ nguồn lực và năng lực để thích nghi.

Từ những hạn chế này, VCCI đề xuất đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế. Hoàn thiện các nền tảng công nghệ và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong việc sử dụng các hệ thống này. Chẳng hạn, xây dựng các cổng thông tin thân thiện, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để giải đáp thắc mắc nhanh chóng và chính xác.

Đồng thời cần có các tài liệu hướng dẫn chi tiết, dễ hiểu và thống nhất về việc thực thi các chính sách thuế, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đơn giản hóa biểu mẫu kê khai, giảm thiểu các loại thuế phí chồng chéo và duy trì sự ổn định trong chính sách để doanh nghiệp yên tâm lập kế hoạch dài hạn.

Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cần có các chính sách đặc thù như miễn giảm thuế, hỗ trợ đào tạo về tuân thủ thuế, hoặc tư vấn trực tiếp.

Ngoài ra, cơ quan thuế cần duy trì các kênh đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để lắng nghe phản hồi, cũng như cập nhật các vấn đề thực tiễn trong thực thi chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VCCI đề xuất đẩy mạnh số hóa trong quản lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO