Ứng dụng trí tuệ nhân tạo điều trị bệnh tim mạch

Gia Hưng| 21/09/2022 08:00

BVCL - Chụp mạch vành giảm lượng thuốc cản quang chỉ bằng 1/4 thông thường, kết hợp phân tích bằng trí tuệ nhân tạo giúp nhiều bệnh nhân suy tim, suy thận được cứu chữa kịp thời.

Bà Đoàn Ngọc Lam (82 tuổi, ngụ Bình Dương) hết đau ngực, khó thở, khỏe mạnh sau 3 ngày đặt stent tái thông lòng động mạch. Đây là một trong số nhiều trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị hẹp mạch vành nặng kèm nhiều bệnh lý nền được chẩn đoán, điều trị bằng kỹ thuật chụp mạch vành mới - Cardiac Swing kết hợp siêu âm trong lòng mạch (IVUS), ứng dụng tại BVĐK Tâm Anh.

Bà Lam có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu, sa sút trí tuệ (bệnh Alzheimer), đặc biệt là suy thận mạn, suy tim. Vì vậy, gia đình nhiều lần trì hoãn chụp mạch vành vì lo ngại việc tiêm nhiều thuốc cản quang khiến bệnh suy thận nặng hơn.

Theo BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, trước kia, để có được hình ảnh mạch vành ở mọi góc độ, bệnh nhân phải được chụp từ 6-8 lần, với lượng thuốc đưa vào cơ thể có thể lên đến 20-30ml. Kỹ thuật mới chỉ cần 2 lần chụp, với tổng cộng 7-8 ml thuốc cản quang. Như vậy, việc ứng dụng phần mềm Cardiac Swing có sử dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp giảm thiểu 36% lượng thuốc cản quang và tối đa 71% thời gian can thiệp đồng nghĩa với việc giảm thiểu liều lượng bức xạ không cần thiết cho bệnh nhân, ngăn ngừa các biến chứng sau này. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam trang bị hệ thống chụp mạch can thiệp số hóa xóa nền (DSA) Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm treo trần hiện đại, cánh tay robot xoay 360 độ, linh hoạt di chuyển, tiếp cận bệnh nhân ở mọi góc độ, đồng hành thực hiện kỹ thuật trên. Thêm vào đó, kết hợp với hệ thống tích hợp Intrasight - siêu âm trong lòng mạch (IVUS) bác sĩ có thể tự tin đặt stent kích thước lên đên 5 mm, giảm nguy cơ tái hẹp cho bệnh nhân.

Nhờ kỹ thuật trên, bệnh nhân được chụp mạch vành cho kết quả xơ vữa động mạch, hẹp đến 90% tại vị trí động mạch liên thất trước. Đây là động mạch cung cấp nhiều máu nhất cho vùng cơ tim và cần được can thiệp tái thông sớm, tránh nguy cơ đột tử.

bvta1.jpg
Đặt stent mạch vành tối ưu nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đánh giá mức độ xơ vữa động mạch trên hệ thống Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Long cho biết đối với bệnh nhân lớn tuổi có độ hẹp đến 90%, nghĩa là kích thước lòng mạch trước can thiệp chỉ khoảng dưới 1 mm. Nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS) bác sĩ sẽ không tự tin chọn stent kích thước lớn vì lo ngại nguy cơ vỡ mạch máu. Việc chọn stent không tối ưu có thể dẫn đến khả năng tái hẹp trong stent cao. Khi đó, bệnh nhân có thể gặp cơn đau ngực do thiếu máu cơ tim, thậm chí là tử vong nếu không tái can thiệp kịp thời.

bvta1.jpg2.jpg
Hình ảnh lòng động mạch liên thất trước của bà Lam sau khi được đặt stent có kích thước lên đến 5,2 mm (hình ảnh từ IVUS). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Do đó, với bệnh nhân Lam, nếu dựa vào hình chụp mạch vành thông thường, bác sĩ chỉ ước tính đặt stent cỡ 3,5 mm. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch, êkip xác định chính xác đường kính mạch máu thật sự của bệnh nhân có thể lên hơn 5 mm. “Đặt stent càng lớn, nguy cơ tái hẹp trong stent càng thấp", bác sĩ Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kỹ thuật chụp cắt lớp quang học (OCT) trong lòng mạch cũng giúp đánh giá chính xác tổn thương, độ bao phủ và vị trí của stent cũng như sự áp sát của stent vào lòng mạch để can thiệp hiệu quả, hạn chế biến chứng và giảm nguy cơ tái hẹp sau đặt stent.

bvta3.jpg
Ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp quang học (OCT) trong đặt stent mạch vành tại BVĐK Tâm Anh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Long cho biết, nhiều bệnh nhân suy thận đến bệnh viện Tâm Anh điều trị phát hiện hẹp mạch vành rất nặng do trì hoãn can thiệp trước đó. Vì thế, kỹ thuật mới chính là “phao cứu sinh” giúp họ được chụp mạch vành và đặt stent kịp thời với lượng thuốc cản quang đưa vào cơ thể thấp nhất, giảm gánh nặng lên thận.

“Suốt một năm qua, cơn đau ngực, khó thở cứ hành tôi mất ăn mất ngủ nhưng không dám chụp mạch vành vì sợ ảnh hưởng thận. Giờ tôi thấy khỏe rồi, ăn rất ngon, ngủ rất sâu. Bác sĩ cho tôi xem hình mạch máu sau khi nong mở rộng, 82 tuổi mà lòng mạch ‘trẻ lại’ như cô gái 28. Thật tuyệt vời!", bà Lam chia sẻ ngày xuất viện.

Theo Cardiology Advisor, ước tính có 17-48% bệnh nhân mạch vành có tình trạng rối loạn chức năng thận. Đồng thời, người bệnh thận mạn có tỷ lệ xơ vữa động mạch tăng cao, có xu hướng mắc bệnh mạch vành nặng hơn. Khoảng 50% bệnh nhân cao tuổi có bệnh thận mạn kèm suy tim - dấu hiệu tiến triển của bệnh mạch vành. Do đó, bác sĩ Long khuyến nghị, người bệnh thận mạn cần kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện hẹp mạch vành và xử trí kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo điều trị bệnh tim mạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO