Chuyển động thị trường

TP.HCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng năm 2023 tăng 1,6%

Theo TTXVN 06/06/2023 - 21:54

Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 của 4 ngành công nghiệp trọng điểm ở TP.HCM tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

60e11d394e74a72afe65-1-.jpg
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng năm 2023 của TP.HCM tăng 1,6%. (Nguồn: TTXVN)

Tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP.HCM tháng 5/2023 vừa qua tiếp tục duy trì trạng thái khởi sắc, nhưng chưa có tín hiệu bứt phá.

Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn đối diện nhiều khó khăn, cũng như áp lực trước diễn biến phức tạp của thị trường trong và ngoài nước.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ. Trong số đó, một số ngành có mức tăng cao như sản xuất xe có động cơ; sản xuất phương tiện vận tải khác; công nghiệp chế biến, chế tạo khác.

Còn ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,8% so với cùng kỳ, cụ thể: ngành hóa dược tăng 12,7%; ngành cơ khí tăng 3,9%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 4,3%; ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 4,7%.

Thống kê chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5 năm 2023 tăng 0,2% so với tháng trước và giảm 4,0% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số lao động giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Liên quan đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố, ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM đánh giá, nếu trong quý 1/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp, xây dựng.. ở mức âm thì trong tháng 4 và tháng 5/2023 đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực trả lãi vay ngân hàng.

Ở góc độ hiệp hội, doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP.HCM chia sẻ, tuy thuộc nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhưng ngành lương thực-thực phẩm vẫn bị tác động bởi diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Điển hình, xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm sắm, tiêu dùng không chỉ ở thị trường toàn cầu, mà ngay cả thị trường trong nước đang khiến ngành lương thực thực phẩm giảm đơn hàng và sản xuất.

Không chỉ doanh nghiệp ngành lương thực-thực phẩm mà cộng đồng doanh nghiệp sản xuất rất kỳ vọng được sở, ngành đồng hành và có cơ chế chính sách nhanh chống ổn định sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm...

Trong số đó, doanh nghiệp mong muốn có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với đa dạng hình thức hơn, nhất là xúc tiến thương mại trực tuyến, nhằm sớm phục hồi đơn hàng, thị trường, tìm kiếm đối tác tiềm năng.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là hạt nhân của khu vực Đông-Tây Nam bộ.

Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp và đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã và đang nắm bắt từng cơ hội đưa hàng hóa sản xuất trong nước vươn xa ra thế giới.

Điển hình, UBND và sở, ngành TP.HCM đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng hàng hóa, giới thiệu quảng bá sản phẩm trong nước ra thị trường quốc tế.

Trong số đó, diễn đàn và hội chợ xuất khẩu TP.HCM diễn ra vào cuối tháng 5/2023 vừa qua là sự kiện tiên phong trong chuỗi hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu.

Sự kiện này đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp gỡ trực tiếp, tìm kiếm đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, quảng bá sản phẩm, thương hiệu hàng hóa ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ghi nhận ý kiến các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn đang điều chỉnh, sắp xếp lại; đồng thời nhiều quốc gia tăng cường chính sách bảo hộ, rào cản thương mại rất cần doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình thị trường.

Trên cơ sở này, doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn phù hợp với diễn biên thị trường, cũng như tìm ra những giải pháp dài hạn trong sản xuất hướng đến mục tiêu bền vững.

Để giải quyết thách thức về sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng..., doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng toàn cầu.

Doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ... mới đảm bảo tiêu chuẩn hàng hóa đáp ứng đa dạng thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng năm 2023 tăng 1,6%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO