Gia đình của ba mẹ con tử vong trong vụ cháy ở Thanh Oai không đồng tình với bản án sơ thẩm, cho rằng còn bỏ lọt tội phạm cũng như chưa đánh giá hết thiệt hại nên đã kháng cáo.
Ngày 5/12, TAND TP. Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét kháng cáo của anh Nguyễn Trọng Chức và chị Nguyễn Thị Cung với bản án sơ thẩm vụ "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy", liên quan đến vụ hoả hoạn làm 3 mẹ con tử vong ở huyện Thanh Oai xảy ra hơn 1 năm trước.
Anh Chức và chị Cung kháng cáo toàn bộ bản án, cho rằng việc cơ quan định giá tài sản đã không "thống kê" hết thiệt hại, cũng như chưa làm rõ vai trò liên quan của một thợ hàn thứ ba trong vụ việc.
Theo bản án sơ thẩm, do có nhu cầu làm sàn gác lửng, cầu thang sắt và dựng tường vách bằng tôn cho nhà kho chứa chăn, ga, gối, đệm, chiếu, vợ chồng anh Chức đã tìm người thi công.
Trần Quang Thoa đến nhà anh Chức nhận việc thi công và nói sẽ gọi thêm người đến làm cùng. Hai bên thống nhất tiền công 500.000 đồng/người/ngày.
Sau đó, Thoa đã thuê Trần Văn Hưởng (25 tuổi) và Tạ Trường Giang (22 tuổi) đến nhà anh Chức làm cùng.
Chiều 10/9/2022, 3 thợ hàn không có chứng chỉ hành nghề đến nhà anh Chức thực hiện công việc. Thoa phân công Hưởng bắn vách tôn và hàn cửa vách ở sàn gác lửng, Giang phụ giúp việc cho Hưởng. Thoa trèo lên mái của nhà kho để bơm keo chống dột.
Thời điểm đó, chị V - vợ anh Chức - ở dưới sân lồng vỏ chăn và nói chuyện với người chị gái. Trong khi đó, Hưởng sử dụng máy cắt sắt và máy hàn kim loại để hàn, cắt, mài các thanh sắt, còn Giang đứng giúp việc.
Khoảng 16h30 cùng ngày, khi Giang, Hưởng, Thoa đang làm việc thì nghe thấy chị V. hô to nhiều lần: "Cháy rồi em ơi". Cả ba chạy xuống thì phát hiện lửa đang cháy ở chiếc đệm phía trên cùng của chồng đệm đặt gần khu vực cầu thang gác lửng, nơi Hưởng và Giang làm.
Hưởng và Giang kéo chiếc đệm cháy đang bốc cháy để cùng với Thoa, chị V. và chị gái của chủ nhà dập lửa, song không được. Ba thợ hàn và người chị gái của chủ nhà chạy ra ngoài gọi người dân đến hỗ trợ.
Lúc đó, đám cháy lan vào khu nhà 3 tầng của gia đình anh Chức, lan sang kho xưởng của Công ty thực phẩm do chị Cung làm Giám đốc và một phần kho xưởng sản xuất chăn, ga, gối, đệm của một công ty khác.
Đến 18h30 cùng ngày, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã dập tắt được vụ hoả hoạn. Song chị V. và hai con nhỏ (4 và 5 tuổi) sau đó được xác định tử vong.
Cơ quan tố tụng xác định, vụ hoả hoạn làm cháy toàn bộ ngôi nhà ba tầng và kho hàng chăn, ga, gối đệm của gia đình anh Chức. Công ty sản xuất chăn, ga gối đệm và công ty thực phẩm bị cháy lần lượt phần diện tích 350 m2 và 110 m2 (cháy các thiết bị máy móc, nguyên vật liệu...).
Bản án sơ thẩm của TAND huyện Thanh Oai cáo buộc Thoa và Hưởng phạm vào tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" và tuyên phạt Hưởng 9 năm tù, Thoa 8 năm 6 tháng tù.
Cấp sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường cho gia đình anh Chức tổng cộng hơn 2,5 tỉ đồng; bồi thường cho chị Cung hơn 242 triệu; bồi thường cho Công ty sản xuất chăn, ga, gối, đệm hơn 411 triệu.
Với Giang, cấp sơ thẩm nhận định người này chỉ phụ giúp cho Hưởng và Thoa chứ không trực tiếp tiến hành hàn, cắt. Cơ quan điều tra không xem xét xử lý với Giang là có căn cứ.
Tại phiên toà phúc thẩm, luật sư, bị hại cho rằng, Giang là người trực tiếp liên quan. Giang tham gia công việc với Thoa và Hưởng, và cùng nhận tiền công ngang nhau. Ngoài ra, quá trình điều tra vụ án, cơ quan định giá chưa đánh giá, xem xét hết thiệt hại mà các bị hại đã mất trong vụ hoả hoạn trên.
Cấp phúc thẩm cho rằng, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chưa xác định đúng thiệt hại của 3 bị hại. Cần phải điều tra để xác định lại thiệt hại của vụ án. Việc xác định này để đánh giá đúng trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Ngoài ra, HĐXX phúc thẩm đề nghị đánh giá lại vai trò, trách nhiệm của Giang trong vụ án...
Từ những phân tích nêu trên, HĐXX phúc thẩm cho rằng không thể làm rõ tại phiên tòa nên đã quyết định huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ, điều tra lại vụ án.