Tòa án nhân dân tối cao triển khai Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến

Thu Trang | 15/12/2021 11:56

BVCL - Sáng nay 15/12/2021, TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc hội về Tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tới dự có đại diện lãnh đạo VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và truyền thông, Liên đoàn luật sư Việt Nam… và đại diện các cơ quan của Quốc hội.

Về phía TANDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC, các Phó Chánh án TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và một số đơn vị liên quan của TANDTC.

1(1).jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Hải Đăng

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án TANDTC cho biết: Ngày nay, với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động của quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự biến đổi không ngừng của công nghệ số đã và đang tạo điều kiện thuận lợi, làm thay đổi sâu sắc hoạt động của Tòa án.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, các nước có nền khoa học công nghệ phát triển (như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Xinh-ga-po…) đã chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tư pháp. Từ cung cấp dịch vụ hành chính tư pháp trực tuyến; tống đạt điện tử; cung cấp, tiếp nhận chứng cứ điện tử, trực tuyến… đến xét xử trực tuyến đều được các quốc gia này thực hiện một cách thường xuyên và dần thay thế hoạt động tố tụng truyền thống. Đây là xu thế toàn cầu.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Do đó, hoạt động xét xử của Tòa án cũng bị ảnh hưởng; nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.

Để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, Quốc hội, Chính phủ cũng phải tổ chức họp và điều hành một số hoạt động của mình qua phương thức trực tuyến. Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh.

Nghiên cứu pháp luật hiện hành cho thấy, các đạo luật về tố tụng tư pháp đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Một số Tòa án khi tổ chức phiên tòa hình sự xét xử vụ án xâm hại tình dục, vụ án tham nhũng và một số vụ án khác có nhiều người tham gia tố tụng đã cho Luật sư, bị hại, người làm chứng… tham gia phiên tòa tại phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử.

Với những lý do nêu trên và trên cơ sở các quan điểm, định hướng của Đảng về đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, TANDTC đã đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 12/11/2021, Quốc hội đã biểu quyết thống nhất ban hành Nghị quyết số 33/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Sự ra đời của nghị quyết đóng góp rất quan trọng vào việc: Bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan;

Tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa. Giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa và do đó tiết kiệm chi phí xã hội; Góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.

6.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu về kế hoạch triển khai Nghị quyết.Ảnh Hải Đăng

Phát biểu về kế hoạch triển khai Nghị quyết, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết: Sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành, thời gian qua TANDTC đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến công tác tổ chức thi hành, cụ thể:

Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 512a/QĐ-TANDTC ngày 19/11/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó:

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc TANDTC, Học viện Tòa án, các Tòa án, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực, các cơ quan, bộ, ngành có liên quan nhằm đảm bảo triển khai thi hành Nghị quyết kịp thời, thống nhất và hiệu quả. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về việc thi hành Nghị quyết.

Yêu cầu các đơn vị, Tòa án tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; tổ chức việc triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết; rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cũng cho biết, tại Hội nghị này, TANDTC cũng tổ chức lễ ký Thông tư liên tịch với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến”. Việc ban hành Thông tư liên tịch này, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác tổ chức thi hành phiên tòa trực tuyến vào ngày 01/01/2022 tới đây.

Cùng với đó, TANDTC đã chỉ đạo, chuẩn bị tổ chức 03 phiên tòa mẫu để các Tòa án học tập, tham khảo. Trong đó, 01 phiên tòa mẫu xét xử phúc thẩm vụ án hình sự: Điểm cầu trung tâm tại TANDCC tại Hà Nội được kết nối với điểm cầu thành phần tại TAND tỉnh Lạng Sơn (Phiên tòa này dự kiến tổ chức ngày 08/01/2021, đặc biệt có sự tham dự của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo TANDTC, Thẩm phán một số Tòa án…);

Một phiên tòa mẫu xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Điểm cầu trung tâm tại TAND tỉnh Bắc Giang được kết nối với điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang; 01 phiên tòa mẫu xét xử sơ thẩm vụ án hành chính: Điểm cầu trung tâm tại TAND thành phố Hải phòng được kết nối với điểm cầu thành phần tại trụ sở Ủy ban nhân dân (người bị kiện).

2.jpg
Lễ ký Thông tư liên tịch với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ảnh Hải Đăng

Hội nghị cũng đã tiến hành Lễ ký Thông tư liên tịch với VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến”.

Thông tư liên tịch được ký kết với đại diện các cơ quan gồm: Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC; Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

3(1).jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trao tặng Bằng khen đối với các tập thể, cá nhân.Ảnh Hải Đăng

Cũng tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã trao tặng Bằng khen đối với các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Tổ chức phiên tòa trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án nhân dân tối cao triển khai Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO