Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông có tính chất đặc biệt quan trọng. Thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để có văn hóa giao thông.
Sáng 09/12, tại trụ sở TANDTC, đã diễn ra Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” do TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại Chương trình, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc cho biết, Bộ tài liệu “Mô hình Phiên tòa giả định" là rất thú vị và đáng quý. Đặc biệt, các nội dung trao đổi tại chương trình liên quan đến hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông mà người dân thường gặp phải rất phù hợp với giới trẻ, các em học sinh, sinh viên.
Theo ông Hùng, qua thống kê những năm trước đây, có khoảng 12 – 13 nghìn người chết vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, con số này giảm sâu. Có được kết quả này là nhờ nỗ lực rất lớn của các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cùng với sự vào cuộc của cả hệ chính trị và nhân dân bằng nhiều cách khác nhau, trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông đóng vai trò quan trọng.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá, việc tiếp nhận thông tin, thông điệp từ mô hình phiên tòa giả định đã bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 với chủ “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Ông Hùng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông có tính chất đặc biệt quan trọng.
"Nhiều người nói văn hóa giao thông là khái niệm rộng, nhưng với những người làm công tác bảo đảm an toàn giao thông, thượng tôn pháp luật là nền tảng căn bản để ta có văn hóa giao thông. Mọi giá trị trong các văn bản pháp luật là giá trị chung mà toàn xã hội theo đuổi. Nếu ta có thói quen tìm hiểu, nắm bắt, chấp hành và cao hơn nữa là thượng tôn pháp luật, văn hóa giao thông sẽ hình thành. Thượng tôn pháp luật không chỉ của những người tham gia giao thông mà đối với mọi tầng lớp nhân dân ”, ông Hùng nói.
Đánh giá cao mô hình phiên tòa giả định, theo ông Hùng, từ nay trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có thêm Bộ tài liệu, phương pháp và cách tiếp cận rất hiệu quả để tuyên truyền gửi tới các cơ quan liên quan, cơ sở giáo dục để thiết kế, lồng ghép vào chương trình giáo dục ATGT cho học sinh, nhất là học sinh THPT vì đây là đối tượng chiếm phần lớn trong các vụ TNGT liên quan tới học sinh.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hy vọng, thời gian tới, các phiên tòa giả định sẽ được tập huấn, nhân rộng đến tất cả các em học sinh để trang bị kiến thức và hiểu biết pháp luật sâu sắc hơn nữa cho những công dân trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bộ tài liệu Mô hình phiên tòa giả định là cách tiếp cận sáng tạo, hiệu quả
Trong khuôn khổ chương trình, Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn nhanh đối với Thượng tá Tạ Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an).
PV: Bà có đánh giá như thế nào về chương trình Tìm hiểu pháp luật về An toàn giao thông từ Mô hình phiên tòa giả định?
Thượng tá Tạ Hồng Minh: Chương trình tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông từ mô hình phiên tòa giả định là cách tiếp cận mới lạ. Đặc biệt, đối tượng tiếp cận là các em học sinh, sinh viên và những người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là những đối tượng tham gia giao thông hàng ngày rất cần trang bị các kiến thức để tham gia giao thông một cách an toàn.
Những quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đã được phổ biến rất đa dạng bằng nhiều hình thức phong phú. Thời gian gần đây, Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa chương trình giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến tận các cơ sở giáo dục. Qua đó hy vọng hình thành nên ý thức chấp hành pháp luật giao thông từ nhà trường, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên.
PV: Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế, theo bà thông điệp các cơ quan nghiên cứu muốn truyền tải là gì?
Thượng tá Tạ Hồng Minh: Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật từ Bộ tài liệu mô hình phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế của nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, hoạt động tuyên truyền bằng hình này đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhiều đối tượng trong tình hình hiện nay.
Rất mong qua cách tiếp cận, tuyên truyền mới như thế này, các em học sinh, sinh viên và người lao động sẽ tiếp cận rõ hơn và tìm hiểu sâu hơn các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông cũng như các kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
PV: Trong những năm qua, hệ thống Tòa án các cấp đã xét xử nhiều vụ án liên quan đến hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bà có nhận xét gì về vai trò của Tòa án trong việc giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử?
Thượng tá Tạ Hồng Minh: Những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và thường xuyên có sự chỉ đạo các cấp, ban, ngành thực hiện.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Vai trò của Tòa án đã thể hiện được tính nghiêm minh và tính răn đe trong việc thực thi pháp luật. Tôi hi vọng, qua mỗi bản án, mỗi người trong chúng ta coi đó là bài học của mình để tìm hiểu những quy định của pháp luật, thực hiện đúng, chấp hành đúng để tham gia giao thông an toàn.
PV: Để bộ tài liệu từ mô hình phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác tuyên truyền pháp luật cho nhiều đối tượng trong tình hình hiện nay, theo bà, các cấp, các ngành cần phải làm gì để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất?
Thượng tá Tạ Hồng Minh: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm đẩy mạnh với nhiều đối tượng, mỗi đối tượng đều có các hình thức, tuyên truyền khác nhau. Thậm chí với cả trẻ mầm non cũng đã được các cơ quan có liên quan xây dựng các bộ phim hoạt hình với hình thức sinh động để giáo dục các em làm quen.
Với lứa tuổi học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, ngoài sự cố gắng của cơ quan chức năng, tôi cũng rất hy vọng mỗi gia đình, phụ huynh quan tâm và chú ý trong việc giao xe cho con. Tuyệt đối không giao xe khi con chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe theo quy định, đồng thời tạo cho các em có thói quen tham gia giao thông bằng những phương tiện công cộng để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác.
Riêng với những đối tượng từ 18 tuổi trở lên, hay những người lao động tự do, cách tiếp cận có những hạn chế nhất định. Vì vậy, ngoài các biện pháp cơ quan chức năng đang làm, rất mong chính quyền sở tại và các tổ dân phố cũng nên tổ chức những hình thức tuyên truyền để những người lao động có nhiều cơ hội được tiếp cận các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
PV: Trân trọng cảm ơn bà.