Sáng 9/12, tại trụ sở TANDTC, đã diễn ra Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” do TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Biên Thùy, Nguyễn Hồng Nam, Thẩm phán TANDTC; ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; các đơn vị thuộc TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới; Ban An toàn giao thông TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố; học sinh, sinh viên, người lao động đang học tập và làm việc trên địa bàn TP. Hà Nội.
Vận dụng “phiên tòa giả định" vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC cho biết, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động xét xử, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời đại số, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa mô hình "Phiên tòa giả định" vào phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nói chung, Báo Công lý – Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo công tác Thông tin tuyên truyền TAND và các đơn vị chức năng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới sản xuất thành công các bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”.
Dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật được TAND các cấp tổ chức xét xử, Bộ tài liệu đã tập trung xây dựng các tình huống liên quan đến hành vi vi phạm mà người dân cần biết như: Không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy vượt đèn đỏ, điều khiển xe vượt tốc độ cho phép, điều khiển xe chạy ngược chiều, chưa có giấy phép lái xe, điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép và các quy định về tội phạm hình sự.
Theo ông Nguyễn Biên Thùy, Bộ tài liệu đã khắc phục những hạn chế, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận dụng nhiều hơn nữa “phiên tòa giả định" vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này.
“Phiên tòa giả định là cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát thực tế tại nhiều địa phương. Cùng với các hình thức truyền thông, giáo dục pháp luật trực tiếp tại các trường học, cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền qua hình thức phiên tòa giả định đã tạo chuyển biến mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đồng thời thông qua đó, cảnh tỉnh người dân về hậu quả của các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần xây dựng trật tự an toàn xã hội, tăng cường sự ổn định về mọi mặt tại các địa phương trên cả nước”, ông Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC nhấn mạnh.
Sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế
Đánh giá về Bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, Bộ tài liệu là sự kết hợp hài hòa giữa các thủ pháp nghệ thuật hình ảnh truyền hình và tương tác thực tế. Theo ông, khi đưa Bộ tài liệu này vào ứng dụng, các đơn vị sẽ thực hiện Chương trình “Phiên tòa giả định” một cách đơn giản và hiệu quả, tiết kiệm được nhiều kinh phí, công sức, không gian thời gian, có thể tổ chức trực tuyến hoặc offline.
Ông Khuất Việt Hùng khẳng định: “Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử sẽ góp phần hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này”.
Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định” là minh chứng rõ nét cho việc chủ động vào cuộc của TANDTC, nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và Chương trình phối hợp số 204/CTPH-TANDTC-UBATGTQG ngày 05/7/2023 giữa TANDTC và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đặc biệt là Chương trình sự kiện đã bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hoá giao thông an toàn”.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tin tưởng trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống TAND cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các cơ quan liên quan, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng môi trường văn minh, an toàn.