Điều tra theo thư bạn đọc

Thường Tín- Hà Nội: Đất đấu giá "lấn át" làng nghề truyền thống- lòng dân có thuận?

PV

Ngày 28/10, UBND xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã tiến hành cưỡng chế thu hồi hơn 10.000m2 đất để phục vụ dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu liền kề Duyên Thái I, xã Duyên Thái”. Trước đó, rất nhiều người dân địa phương đã có đơn thư thể hiện sự không đồng tình với Dự án này do cho rằng, cần ưu tiên xây dựng khu triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống sơn mài của địa phương.

Dự án “mọc” giữa làng nghề truyền thống hàng trăm năm

Với tuổi đời hàng trăm năm, Làng nghề sơn mài Hạ Thái (thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã được Nhà nước công nhận là “Làng nghề truyền thống”. Từ năm 2020, Hạ Thái đã chính thức được UBND TP Hà Nội công nhận là “Điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái” và nhận cờ thi đua của UBND TP Hà Nội.

cn(1).jpg
Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái và đón nhận cờ thi đua của UBND TP Hà Nội (ảnh tư liệu).

Chủ trương của địa phương khi đó là phát triển du lịch làng nghề gắn với sản xuất và bảo tồn nghề sơn mài, nhằm phát huy giá trị truyền thống. Tại Lễ nhận cờ thi đua, lãnh đạo xã Duyên Thái đã bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn xã xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề; đồng thời mở ra những cơ hội, thời cơ mới để làng nghề phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, mảnh đất của hơn 100 hộ dân làng nghề sơn mài Hạ Thái vốn được ấp ủ để xây dựng khu triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề, nay lại bị thu hồi để làm dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu liền kề Duyên Thái I, xã Duyên Thái”.

Vị trí đất nằm ở phía bên phải cổng làng (nhìn từ trong ra), đối diện với nhà văn hóa của xã. Điều này gây nên sự tâm tư, bất an trong tâm lý bà con nghệ nhân, nghệ sĩ đang nỗ lực giữ nghề ở làng Hạ Thái bởi họ luôn mong muốn có một không gian tương xứng với giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại, du lịch của làng nghề mình.

son-mai.jpg
Lãnh đạo huyện Thường Tín thăm, động viên một hộ sản xuất tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (ảnh tư liệu).

Tháng 6/2023, UBND xã Duyên Thái đưa ra thông báo số 32/2023/TB-UBND về danh sách hộ gia đình, cá nhân có đất thuộc dự án bị thu hồi đất (tổng cộng 11.813,5 m2) để thực hiện dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu liền kề Duyên Thái I, xã Duyên Thái”. Tổng cộng có 136 thửa đất được thu hồi được cho là nằm giữa làng nghề. Rất nhiều hộ dân đã không đồng tình với dự án đấu giá đất ở vì họ muốn phát triển nghề truyền thống.

Một họa sĩ đã nhiều năm gắn bó và có nhiều đống góp vào việc phát triển làng nghề và điểm du lịch làng nghề Hạ Thái tâm sự: Đây là một làng nghề được Nhà nước đầu tư phát triển nhiều, từ đường sá cho tới cả hệ thống xe bus tới tận nơi. Tuy nhiên, đầu ra cho làng nghề Hạ Thái đang rất khó khăn, có thể thấy rõ điều đó khi từ đầu tới cuối làng hầu như không có cửa hàng nào bày bán đồ sơn mài địa phương. Bởi vậy thay vì xây dựng nhà ở, chúng tôi rất mong chờ có một khu trưng bày, quảng bá thương hiệu cho làng nghề sơn mài Hạ Thái để phát triển kinh tế địa phương theo hướng bền vững và gìn giữ bản sắc dân tộc theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Theo ông Đỗ Văn Khoái (65 tuổi, nguyên trưởng thôn Hạ Thái), người dân trong thôn đều rất đồng tình với chủ trương chung của Đảng và Nhà nước về việc bảo tồn các làng nghề truyền thống của Hà Nội để phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam. Nguyện vọng của ông Khoái và các hộ dân đều muốn được nhà nước đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại trưng bày giới thiệu sản phẩm sơn mài truyền thống, quảng bá kích cầu du lịch tạo công ăn việc làm cho người dân trong xã. Vị trí thích hợp nhất là phần đất mà các hộ dân thôn Hạ Thái đang quản lý sử dụng mà đang tiến hành làm dự án “đấu giá quyền sử dụng đất”.

Cần xem xét để hợp lý - hợp pháp - hợp lòng dân

Rất nhiều đơn kêu cứu của nhiều người dân sinh sống tại thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái gửi các cơ quan ban ngành liên quan đã nêu rõ quan điểm không đồng tình và những hệ lụy từ việc triển khai dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất”.

W_untitled.png
Các phiếu chuyển đơn liên quan tới dự án “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất khu liền kề Duyên Thái I, xã Duyên Thái”.

Nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã có phiếu chuyển đơn kiến nghị để UBND huyện Thường Tín xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vào tháng 8/2023, UBND xã Duyên Thái đã tổ chức cuộc họp với những hộ dân có đơn thư để trả lời thắc mắc. Tại buổi họp, các hộ dân vẫn giữ nguyên ý kiến không đồng tình việc triển khai Dự án, vì cho rằng họ không được công khai, không được lấy ý kiến từ giai đoạn lập quy hoạch đất đấu giá. Nếu được lấy ý kiến, họ sẽ đề nghị làm khu trưng bày sản phẩm làng nghề chứ không thực hiện dự án đấu giá đất.

Dù vậy, ngày 11/10 vừa qua, UBND huyện Thường Tín đã ra quyết định số 4100/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân.

W_z5992535371662_30b8d7a725f14a58463f8d106f5ffbd4.jpg
Trong phạm vi dự án thì thửa đất nhà ông Tầm vẫn chưa bị san ủi do đây là đất thổ cư

Đến ngày 28/10, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã cho san ủi và quây tôn rào khi đất. Toàn bộ các thửa đất của 101 hộ đều đã bị san phẳng để triển khai dự án. Hiện chỉ còn thửa đất của gia đình ông Đỗ Văn Tầm (sinh năm 1942, cụm 6, xã Duyên Thái) là chưa bị cưỡng chế thu hồi vì đây là đất thổ cư.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thường Tín- Hà Nội: Đất đấu giá "lấn át" làng nghề truyền thống- lòng dân có thuận?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO