Một số vùng mới của Tây Nam Bộ đang có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư bất động sản. Điều này là do cơ sở hạ tầng tại đây được đầu tư mạnh, quỹ đất lớn, giá bán thị trường hợp lý...
Nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ đang được hưởng lợi từ hạ tầng liên kết vùng, trong đó quy hoạch đô thị bền vững được xem là “điểm nóng” đầu tư bất động sản trong vùng. Nhà đầu tư đang quan tâm đến những thị trường mới có các ưu thế như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ liên vùng đồng bộ như Vị Thanh, Cao Lãnh, Rạch Giá, Châu Đốc... Điều này đã đẩy thị trường bất động sản trong vùng tăng cao về sức hút.
Ngoài sức hút từ “thủ phủ” Tây Nam Bộ là thành phố Cần Thơ, nhà đầu tư đang quan tâm đến những thị trường mới khác cũng có các ưu thế như vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy và đường bộ liên vùng đồng bộ, bao gồm các thành phố: Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Châu Đốc (tỉnh An Giang)…
Các chuyên gia nhận định, khi khoảng cách di chuyển không quan trọng, đầu tư bất động sản sẽ chuyển dịch đến các thị trường mới, có lợi thế về giá, quỹ đất, hạ tầng và tiềm năng phát triển.
Tỉnh An Giang là một ví dụ, nơi giá đất còn rẻ hơn nhiều so với các thị trường phát triển lâu năm như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai.
Về tỉnh Hậu Giang, chuyên gia bất động sản Lê Tiến Vũ cho rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Tây Nam Bộ, địa phương đang dần khẳng định vị thế và tiềm năng, trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư.
Điều này thể hiện rõ qua các chỉ số trong quý 2/2023 như mức độ quan tâm bất động sản nhà riêng tại Hậu Giang tăng 13%, mức độ quan tâm bất động sản phân khúc đất nền tại thành phố Vị Thanh tăng 15%.
Trước đó, tính cả năm 2022, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ước đạt 113,94%, đứng đầu vùng Tây Nam Bộ và thứ tư trên toàn quốc.
Về bất động sản công nghiệp, Long An là điểm sáng của vùng vì có vị trí giáp Thành phố Hồ Chí Minh, giao thông thuận lợi và cũng là tỉnh tập trung nhiều nhất các khu, cụm công nghiệp.
Một số khu công nghiệp cho thuê hiệu quả như: khu công nghiệp Hải Sơn mở rộng, Đức Hòa 1, Tân Đức, Xuyên Á,… mức giá cho thuê nếu so với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương khá cạnh tranh.
Ngoài ra, nhiều địa phương vùng Tây Nam Bộ cũng đẩy mạnh quy hoạch đầu tư khu công nghiệp như Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp,… với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm.
Không chỉ tại Cần Thơ mà một số đô thị loại I như Long Xuyên (tỉnh An Giang), Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cũng sẽ phát triển loại hình này cùng với tiến trình đô thị hóa luôn thu hút lực lượng lao động chất lượng cao về làm việc.
Riêng đối với thành phố Cần Thơ, với vị thế nằm ở trung tâm Tây Nam Bộ, đây được các chuyên gia đánh giá là thị trường “sáng giá” cho bất động sản ở thật.
Với mật độ dân số cao gấp ba lần mật độ dân số toàn quốc và gấp hai lần mật độ dân số cả vùng, nhu cầu về nhà ở tại Cần Thơ ngày càng tăng cao nhờ thu hút người dân nhiều nơi đến học tập, sinh sống, nhất là nguồn lao động dồi dào làm việc trong các khu, cụm công nghiệp trên toàn thành phố. Đối tượng nhập cư này có nhu cầu an cư lớn, thúc đẩy nhu cầu đất nền, nhà phố, căn hộ tại địa phương.
Đặc biệt, thành phố Cần Thơ sở hữu nhiều yếu tố hiện hữu làm tiền đề cho sự phát triển đô thị: trọng điểm kinh tế phía Nam, đầu mối giao thông-giao thương quan trọng nhất Tây Nam Bộ, mật độ dân số cao, tăng trưởng kinh tế ổn định.
Có thể thấy trong mấy năm gần đây các vùng mới tại Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long... được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhiều chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Do đó, đây được xem là điểm sáng trong đầu tư bất động sản hiện nay đặc biệt là bất động sản công nghiệp.