Mỗi năm có hàng ngàn vụ án về vi phạm trật tự an toàn giao thông được Toà án đưa ra xét xử. Những hành vi vi phạm được xử lý nghiêm minh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giúp tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến với người dân.
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ có những đánh giá quan trọng về công tác này của Toà án thời gian qua.
PV: Thưa ông, những năm gần đây, TANDTC đã và đang đẩy mạnh công tác xét xử các vụ án về giao thông và nhận được sự quan tâm của người dân. Ông có thể cho biết về công tác này hiện nay và kế hoạch thời gian tới mà TANDTC sẽ thực hiện?
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ: Thời gian qua, hệ thống Tòa án nhân dân các cấp đã chủ động tổ chức xét xử hàng nghìn vụ án liên quan đến hành vi vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thu hút sự quan tâm rộng rãi của đông đảo người dân. Qua đó, giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cộng đồng, phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền chấp hành pháp luật về trật tự ATGT trong các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, hệ thống Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chỉ đạo Tòa án các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai thực hiện; lồng ghép mục tiêu về bảo đảm TTATGT vào các Đề án, kế hoạch hoạt động hàng năm của từng đơn vị; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc tổ chức xét xử, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT của người dân.
Trung bình mỗi năm Tòa án đưa ra xét xử hàng nghìn vụ án về vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Chúng tôi xác định việc xét xử là chức năng của Tòa án, cũng đồng thời là thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo giữ gìn trật tự, an toàn trong lĩnh vực giao thông.
Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ rất quyết liệt trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với người dân. Hàng năm, các con số thiệt hại về tính mạng, tài sản do vi phạm về an toàn giao thông rất là lớn. Chính vì thế mà trong quá trình xét xử, nhiệm vụ của các Thẩm phán cũng phải góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại các phiên toà và thông qua mỗi bản án được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Toà án góp phần tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân.
PV: Thưa ông, xét xử những vụ án liên qua đến vi phạm an toàn giao thông và quá trình áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử các vụ án này có gặp vấn đề vướng mắc gì không?
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ:
Về nguyên tắc, Tòa án xét xử tuân theo pháp luật, tuân theo các quy định của pháp luật hình sự khi có các hành vi xâm phạm trật tự an toàn giao thông. Nhưng trong quá trình xét xử, để thực hiện các nhiệm vụ, các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thì nhiệm vụ đặt ra đối với các Thẩm phán, ngoài việc áp dụng pháp luật còn có thêm nhiệm vụ nữa là tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người dân thông qua mỗi phiên toà xét xử.
Mỗi phiên tòa được Toà án xét xử, cũng giống như một bài báo, một thông tin để xã hội biết được hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ bị xử lý nghiêm minh, để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và phòng tránh cho mình. Giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là hình thức giáo dục đặc thù và quan trọng, thông qua xét xử của Thẩm phán, mọi người thấy rằng bất cứ hành vi phạm pháp luật nào đều bị xử lí nghiêm minh theo quy định.
Ngoài ra, việc Toà án công bố các bản án về vi phạm các quy định an toàn giao thông trên Cổng thông tin điện tử và việc thực hiện các phiên xét xử góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với người dân.
PV: Việc công khai các bản án có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống xã hội được đông đảo nhân dân và các ngành chức năng quan tâm. Ông đánh giá như thế nào về việc công khai các bản án về vi phạm an toàn giao thông hiện nay?
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ: Việc công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử, không chỉ góp phần cung cấp thông tin kịp thời đến với người dân để nhân dân đánh giá, các cơ quan giám sát, mà còn giúp các Thẩm phán cẩn thận, chu đáo hơn trong quá trình viết bản án cũng như nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, dữ liệu các bản án về giao thông còn là nguồn để các cơ quan báo chí tuyên truyền đến người dân. Thông qua phản ánh của báo chí, người dân hiểu hơn các quy định của pháp luật để phòng tránh tốt hơn. Những bản án vi phạm về trật tự an toàn giao thông dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng sẽ có tính răn đe rất cao nếu được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Khi Thẩm phán tuyên án người vi phạm giao thông dẫn đến việc phải chịu một mức án cụ thể sẽ có tính giáo dục hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Thời gian qua, TANDTC cũng đã có chương trình phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông tại các địa phương. Tòa án nhân dân các cấp đã chủ động phối hợp với UBND, Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố bám sát các nội dung Chương trình phối hợp xây kế hoạch, dựng nội dung, tổ chức ký kết Chương trình phối hợp và ban hành các văn bản phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Từ đó, công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT.
Thông qua các vụ án, bản án liên quan đến vi phạm trật tự, an toàn giao thông, Báo Công lý, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo công tác Thông tin – Tuyên truyền Tòa án nhân dân cũng là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình phối hợp, đã chủ động xây dựng nhiều tuyến bài, chuyên đề, tổ chức biên tập, sản xuất hàng nghìn tin bài, phóng sự báo chí, phóng sự truyền hình có hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ thu hút người dân quan tâm như: Phát huy vai trò của Tòa án trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về ATGT; nhịp sống giao thông, ATGT và những bản án; đưa pháp luật về ATGT vào cuộc sống; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT...
PV: Vậy việc lựa chọn các bản án nói chung và bản án về giao thông nói riêng để làm án lệ được TANDTC thực hiện ra sao, thưa ông?
Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ:
Trong các vụ án giao thông thì khó nhất của quá trình làm án là đánh giá chứng cứ. TANDTC xác định xây dựng án lệ để bù đắp những lỗ hổng để nhận thức những vấn đề liên quan đến giao thông trong quá trình xét xử, làm sao chúng ta lựa chọn được những án lệ thật tốt để các Thẩm phán có thể căn cứ áp dụng trong quá trình xét xử.
Để xây dựng và lựa chọn án lệ phù hợp, Hội đồng Thẩm phán TANDTC luôn luôn lựa chọn các loại vụ án mà trong quá trình xét xử các Thẩm phán gặp nhiều khó khăn, vướng mắc áp dụng. Việc xây dựng, ban hành án lệ làm sao để các Thẩm phán có thể áp dụng pháp luật một cách đúng đắn trong quá trình xét xử và những án lệ được ban hành thời gian qua cũng trên tinh thần như vậy.
Trân trọng cảm ơn ông!