Đời sống

Thái Nguyên:  Kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển

Đồng Văn Đức 04/05/2023 - 19:29

Kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, xung đột Nga – Ukraina chưa có tín hiệu tích cực; lạm phát trong nước còn tiềm ẩn rủi ro, nguồn nguyên nhiên liệu đầu vào có xu hướng tăng. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Do đó kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục duy trì và phát triển.

kdt-nam-song-cau.png
Tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Nam sông Cầu tại phường Quang Vinh, TP. Thái Nguyên

Hoạt động tài chính ổn định

Những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2023. Công tác tài chính ngân sách và hoạt động của hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đảm bảo ổn định đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên 3 tháng đầu năm 2023 đạt 4.151,8 tỷ đồng, bằng 72,6% so với cùng kỳ và bằng 20,8% dự toán cả năm. Trong đó, thu nội địa đạt 3.578,2 tỷ đồng, bằng 75,6% so với cùng kỳ và đạt 21,2% dự toán cả năm; thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 554,1 tỷ đồng, bằng 57,2% cùng kỳ và đạt 17,9% dự toán cả năm.

Trong thu nội địa, có 6/15 khoản thu đạt cao hơn so với cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt 258,4 tỷ đồng, tăng 11,6%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.624,6 tỷ đồng, tăng 3%; thu từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 586,7 tỷ đồng, tăng 1,1%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 3,2%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 4,3 tỷ đồng, tăng 62,1%; thu từ quỹ công ích và hoa lợi công sản khác tại xã đạt 2,5 tỷ đồng, gấp 3,7 lần so cùng kỳ.

Ước thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2023 đạt 5.179 tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 4.473 tỷ đồng, bằng 26,5% dự toán; thu xuất nhập khẩu ước đạt 680 tỷ đồng, bằng 22% dự toán.

Tổng chi ngân sách địa phương 3 tháng đầu năm 2023 đạt 2.457,2 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ và bằng 12,9% dự toán cả năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển là 624,4 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ và bằng 9,5% dự toán; chi thường xuyên đạt 1.668,1 tỷ đồng, chiếm 72,4% trong tổng chi cân đối ngân sách địa phương, tăng 1,2% so cùng kỳ và bằng 18,4% dự toán cả năm. Trong chi thường xuyên, có 6/11 khoản chi tăng so với cùng kỳ như: Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề đạt 732,4 tỷ đồng; chi sự nghiệp khoa học và công nghệ đạt 28 tỷ đồng; chi sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục thể thao đạt 34,1 tỷ đồng; chi quản lý hành chính đạt 447,9 tỷ đồng; chi quốc phòng an ninh địa phương đạt 72,4 tỷ đồng; chi khác ngân sách đạt 26,8 tỷ đồng. Còn lại 5/11 khoản chi giảm so cùng kỳ như: Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình đạt 109,7 tỷ đồng; chi sự nghiệp phát thanh truyền hình đạt 8,1 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội đạt 124,9 tỷ đồng; chi sự nghiệp kinh tế đạt 68,3 tỷ đồng; chi sự nghiệp môi trường đạt 15,3 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển

Nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư công có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Vì vậy, tỉnh Thái Nguyên đã có những giải pháp quyết liệt, cụ thể, kịp thời và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để việc giải ngân vốn nhanh, phát huy hiệu quả.

Tính đến thời điểm 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã giải ngân vốn đầu tư công được trên 772,5 tỷ đồng, đạt 9,8% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 9,2% kế hoạch địa phương giao. Ước luỹ kế từ đầu năm đến hết ngày 30/4/2023, toàn tỉnh giải ngân khoảng 1.327 tỷ đồng, đạt 16,9% kế hoạch vốn do Thủ tướng giao và đạt 15,8% kế hoạch địa phương giao.

Tiến độ thực hiện đầu tư một số dự án trên địa bàn như: Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực thành phố Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 2.250 tỷ đồng, đến nay tiến độ giải ngân đạt khoảng 70%; hợp phần 1 đến thời điểm hiện tại có 03 hạng mục đã hoàn thành đưa vào sử dụng và 06 hạng mục đang được triển khai thực hiện với khối lượng công việc hoàn thành từ 60 - 98%; hợp phần 2 gồm 11 gói thầu, có 04 gói thầu đã hoàn thành và 07 gói thầu còn lại đang được triển khai với khối lượng hoàn thành từ 55- 90%. Theo kế hoạch, cuối năm nay dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Dự án tuyến đường liên kết (đường liên kết vùng) kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 4.204 tỷ đồng, với tổng chiều dài 42,55 km. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/3/2023, đã giải phóng trên 70% mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư và giải ngân đạt 4% kế hoạch vốn giao năm 2023. Về tiến độ thi công: Nền đường đã đào lắp đặt gần 70%; đang thi công 6/11 cầu, 13/28 hầm chui dân sinh, 36/191 cống ngang và tường chắn Km24+050-Km24+195 trên tuyến. Dự án đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang) với tổng mức đầu tư trên 699,3 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31/3/2023, giải ngân dự án đạt 29% kế hoạch vốn giao năm 2023. Dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2024.

Để hoàn thành các nhóm chỉ tiêu của năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh liên kết vùng; tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên:  Kinh tế tiếp tục duy trì và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO