Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thu Trang | 25/02/2023 11:00

BVCL - Những năm qua, các cấp, ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã quan tâm và đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với từng người dân ở địa bàn biên giới.

Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện với 130 xã, phường, thị trấn, gồm 19 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Mông chiếm 38% dân số toàn tỉnh. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, vẫn còn tồn tại nhiều tập quán, tập tục lạc hậu. Tình trạng truyền đạo, vượt biên trái phép, buôn bán, vận chuyển ma túy vẫn diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

anh-1-dien-bien.jpg
Cán bộ BĐBP Điện Biên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống mua bán người cho nhân dân trên địa bàn

Trước tình hình đó, các cấp, ngành chức năng tỉnh Điện Biên luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, đặc biệt chú trọng phối hợp tổ chức tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn vùng DTTS và miền núi của tỉnh như: (Luật Trợ giúp pháp lý, Luật PBGDPL, Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp, Luật Đất đai).

Ngoài ra, tỉnh Điện Biên còn tuyên truyền một số nội dung thời sự về biên giới đất liền và biên giới biển, đảo gắn với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại nhân dân khu vực biên giới; bồi dưỡng, cập nhật bổ sung kiến thức và kỹ năng tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vận động đồng bào xóa bỏ các tập tục lạc hậu; vấn đề về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

anh-2-dien-bien.jpg
Một buổi tuyên truyền bằng tiếng Mông, Dao tại bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

Hiện, toàn tỉnh Điện Biên có trên 90 báo cáo viên cấp tỉnh, 225 báo cáo viên cấp huyện, trên 2.000 tuyên truyền viên cấp xã. Điện Biên đã tổ chức hơn 14.000 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 590.000 lượt người tham dự; 10 cuộc thi thu hút 3.455 lượt người tham gia; thực hiện phát sóng 2.210 lần chương trình phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã và đăng tải, phát 4.212 tin, bài về pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng. Các tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được biên soạn theo hướng thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu và bằng nhiều thứ tiếng dân tộc khác nhau.

Tỉnh cũng duy trì gần 1.000 tủ sách pháp luật; 100% xã đều có tủ sách pháp luật; các cơ quan, doanh nghiệp, bưu điện, đồn Biên phòng, trường học có 659 tủ, với 16 đầu sách, tài liệu; cấp phát 1.050 cuốn Bản tin Tư pháp cho tủ sách pháp luật các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã biên soạn và cấp phát miễn phí 81.836 tài liệu tuyên truyền pháp luật, trong đó, 17.542 tài liệu bằng tiếng DTTS. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật còn được thông qua các hội nghị, cuộc họp, tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, hoạt động tư vấn pháp luật…

Những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các sở, ban, ngành và người có uy tín tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân địa phương với các nội dung về giao thông, y tế, đất đai, môi trường; xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thực hiện mô hình điểm pháp luật ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thôn, bản, tổ dân phố và mô hình tự quản về an ninh trật tự.

Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cũng triển khai mô hình hoạt động tư vấn pháp luật với hàng trăm câu lạc bộ pháp luật được thành lập ở nhiều cơ quan, đoàn thể, thôn, bản, tổ dân phố, đặc biệt là vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, như: Câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”, “Phòng chống mua bán người”; mô hình “Cưới theo nếp sống mới”, “Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Sản xuất giỏi, công tác xã hội tốt trong đồng bào DTTS”... Để nâng cao hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền luôn được đổi mới, thông qua các cuộc thi, hội nghị biểu dương, lồng ghép qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ”...

anh-3-dien-bien.jpg
Cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con cách trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả

Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tỉnh Điện Biên cũng đặc biệt chú trọng đến khâu lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Ðối với vùng thấp, dân trí cao hơn thì các cấp các ngành trong tỉnh đi sâu vào tuyên truyền nghị quyết của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, lồng ghép tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðối với vùng cao, vùng đồng bào DTTS thì tập trung tuyên truyền các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vấn đề định canh định cư, ổn định sản xuất, không nghe theo kẻ xấu, không du canh du cư, không sinh con thứ 3, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm, mua bán phụ nữ qua biên giới, vận chuyển ma túy và các chất gây nghiện...

Tỉnh Điện Biên nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nên các hành vi vi phạm pháp luật trong vùng đồng bào DTTS giảm hẳn, các giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều tập tục lạc hậu dần được loại bỏ, an ninh trật tự địa bàn miền núi. Vùng đồng bào DTTS ổn định, đồng bào ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO