An toàn giao thông

Tăng cường bảo vệ người yếu thế khi tham gia giao thông đường bộ

PV 28/07/2023 - 22:39

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an đang đưa ra lấy ý kiến với nhiều điểm mới đáng chú ý trong đó có quy định về tăng cường bảo vệ người yếu thế khi tham gia giao thông đường bộ.

Theo Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

1434340178-zlvdcs1_fzqw.jpg
Ảnh minh họa.

Theo thống kê cho biết, từ năm 2009 đến tháng 01/2023, toàn quốc đã xảy ra hơn 379 nghìn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124 nghìn người, bị thương hơn 367 nghìn người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông, gây thiệt hại rất lớn về tài sản. Trung bình hàng năm có gần 9 nghìn người chết, gần 30 nghìn người bị thương, trong đó chủ yếu trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội.

Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến, văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém. Lực lượng chức năng đã xử lý gần 66 triệu trường hợp vi phạm, trong đó một số hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn hơn 1,39 triệu trường hợp, sử dụng chất ma túy hơn 6 nghìn trường hợp.

Có thể thấy, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001 trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy. Do đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn.

Theo đó, Dự thảo Luật mới được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến gồm 08 chương, 62 điều. Đáng chú ý là quy định tăng cường bảo vệ người yếu thế khi tham gia giao thông đường bộ quy định tại khoản 4 Điều 9: Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Ngay cả tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về bảo vệ trẻ em. Theo đó, trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em

Bổ sung quy định để giảm thiểu các tai nạn từ xe ngược chiều: Trên đường hai chiều không có giải phân cách cứng ở giữa có từ hai làn xe cơ giới trở lên trên một chiều xe chạy, phương tiện tham gia giao thông của chiều này không được đi vào làn đường của chiều ngược lại".

Dự thảo cũng quy định về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, người liên quan và người có mặt tại hiện trường vụ tai nạn giao thông; phát hiện, tiếp nhận, xử lý tin báo, cứu nạn, cứu hộ tai nạn giao thông; điều tra, giải quyết, thống kê tai nạn giao thông, luật hóa một số quy định về nguyên tắc, trình tự điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Nhìn chung, công tác giải quyết tai nạn giao thông liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan cần phải luật hóa để bảo đảm sự thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường bảo vệ người yếu thế khi tham gia giao thông đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO