TAND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến với điểm cầu Trung tâm tại TAND TP. Đà Nẵng, điểm cầu thành phần gồm TAND cấp cao tại Đà Nẵng và TAND hai cấp 12 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
TAND TP. Đà Nẵng đã chọn vụ án “Tham ô tài sản” với hai bị cáo Trần Hữu Thanh Sơn (SN 1990, trú phường Thuận Hòa, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) và Phạm Quốc Tuấn (SN 1991, trú phường Nam Dương, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đưa ra xét xử, rút kinh nghiệm.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Cảnh - Chánh án TAND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến nhằm mục đích giúp các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi, rèn luyện các kỹ năng, nâng cao trình độ nghiệp vụ trong công tác xét xử giải quyết các vụ án, nhất là án hình sự và nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa đảm bảo theo tinh thần cải cách tư pháp.
Vì vây, Chánh án TAND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh hy vọng sau phiên tòa sẽ nhận được những ý kiến đánh giá, nhận xét rút kinh nghiệm về công tác tổ chức, kỹ năng điều hành phiên tòa của HĐXX cũng như chất lượng, kết quả xét xử vụ án từ đại diện lãnh đạo TAND cấp cao, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, các lãnh đạo cùng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của TAND hai cấp, VKSND hai cấp TP. Đà Nẵng; Các lãnh đạo, Thẩm phán, Thư ký của TAND hai cấp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Sau phần phát biểu khai mạc của Chánh án TAND TP. Đà Nẵng, phiên tòa được bắt đầu.
Nội dung vụ án thể hiện, Trần Hữu Thanh là nhân viên công nghệ thông tin (CNTT) của một công ty du lịch, có nhiệm vụ quản lý, thống kê định kỳ các thiết bị CNTT, quản lý hệ thống phần mềm VGS (phần mềm quản lý vé).
Quá trình làm việc tại bộ phận này, Sơn có quen biết với Phạm Quốc Tuấn (là đại lý bán vé một khu du lịch). Lợi dụng công việc được giao, từ ngày 9/7/2022 đến ngày 17/2/2023, Sơn đã câu kết với Tuấn gian lận trong việc in, xuất vé, chiếm đoạt tài sản của Công ty với tổng giá trị tài sản 4.037.010.000 đồng.
Cụ thể, Sơn thông tin với Tuấn, Sơn có thể in vé để Tuấn bán cho khách đi cáp treo từ khoảng thời gian 1 giờ 54 phút đến 15 giờ 0 phút hàng ngày là lúc vắng hoặc ít khách, vé này không nằm trong hệ thống quản lý chính của Công ty nên không sợ Công ty phát hiện thì Tuấn đồng ý và thống nhất ăn chia tiền vé bán được theo tỷ lệ 50:50.
Khi có khách hàng đặt mua vé, Tuấn nhắn tin cho Sơn báo số lượng. Sơn lấy phôi vé tại bộ phận bán vé rồi đến bộ phận CNTT dùng tài khoản của Sơn được cấp, đăng nhập vào phần mềm bán vé.
Sau khi đăng nhập thành công, Sơn bỏ vé vào máy in, theo chương trình đã lập trình từ trước, các vé được in ra sẽ tự động cập nhật vào hệ thống. In vé xong, Sơn và Tuấn hẹn nhau tại Phòng vệ sinh - Khu nhà đa năng A2 để giao vé. Sau đó, Tuấn lấy vé giao cho khách và chụp hình ảnh của hướng dẫn viên dẫn đoàn hoặc ảnh của khách để gửi cho Sơn nhận dạng.
Tại Phòng CNTT, Sơn quan sát qua hệ thống camera, khi khách đến cổng soát vé để quẹt vé thì Sơn thao tác chuyển hệ thống VGS từ môi trường Product sang môi trường QA, khi đó, vé được hệ thống chấp nhận và cho qua cổng kiểm soát.
Ngay sau khi khách qua được cổng, Sơn sẽ chuyển lại hệ thống VGS trên môi trường Product để hoạt động lại như bình thường (thao tác này mất khoảng 51 giây đến 20 giây). Tổng số vé Sơn “xử lý” đã qua cổng là 5.678 vé.
Qua quá trình xét hỏi, làm rõ động cơ, hành vi phạm tội của các bị cáo, HĐXX TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt bị cáo Sơn và Tuấn cùng mức án 12 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, lãnh đạo TAND TP. Đà Nẵng đã chủ trì tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm nhằm đánh giá những ưu khuyết điểm của HĐXX, Thư ký tại phiên tòa và đánh giá công tác tổ chức phiên tòa từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cũng như kiến nghị hoàn thiện.
Các ý kiến của đại diện VKSND TP. Đà Nẵng, VKSND quận Thanh Khê, TAND tỉnh Đắk Lắk, TAND quận Sơn Trà… đều đánh giá công tác chuẩn bị chu đáo, đường truyền tín hiệu âm thanh, hình ảnh rõ ràng sắc nét. Chọn vụ án đưa ra xét xử, rút kinh nghiệm phù hợp. Về phần thủ tục tố tụng, phiên tòa diễn ra đúng trình tự, đảm bảo theo quy định.
Đối với chủ tọa điều hành phiên tòa, các câu hỏi đặt ra đối với các bị cáo, bị hại đều rõ ràng, súc tích, dễ hiểu. Kiểm sát viên công bố cáo trạng rõ ràng, dứt khoát, luận tội sắc sảo… Qua phiên tòa hôm nay, các Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thư ký rút ra được rất nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Bên cạnh đó, các ý phát biểu đã nên ra một vài ý kiến góp ý như: Khi kết thúc một phần nào đó, HĐXX cần nêu rõ “kết thúc phần… chuyển sang phần”; HĐXX không cần thiết phải hỏi bị cáo về giải quyết vật chứng; cần phối hợp, phân bổ các thành viên trong HĐXX cùng hỏi để hiệu quả hơn…
Chánh án TAND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Cảnh ghi nhận những ý kiến đóng góp của lãnh đạo các đơn vị, đồng thời cảm ơn sự quan tâm tạo điều kiện phối hợp của TAND cấp cao, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND TP. Đà Nẵng và các đơn vị TAND cấp tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên để phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức thành công tốt đẹp.