Từ việc áp dụng phương pháp thành lập “Tổ chỉ đạo”, để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn giải quyết các vụ án nên Tòa Dân sự TAND tỉnh Lạng Sơn đã đạt hiệu quả cao trong công tác. Cách làm việc mới này đã được đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC khen ngợi và động viên cố gắng phát huy.
Ngay từ đầu năm, để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo TAND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án trong năm 2022, trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử do TAND tối cao ban hành và đề ra 06 nhiệm vụ trọng tâm công tác.
Do tính chất đặc thù là tỉnh miền núi biên giới đang trên đà phát triển về kinh tế và xã hội, nhận thấy các vụ án dân sự cũng có dấu hiệu tăng và phức tạp hơn so với những năm trước nên Ban cán sự Đảng TAND tỉnh giao cho Tòa Dân sự tham mưu, đưa ra phương án làm việc hiệu quả để giải quyết các vụ án dân sự được hiểu quả hơn.
Sau khi tham khảo ý kiến tham mưu, nghiên cứu từ tình hình thực tế, Ban cán sự Đảng đã chỉ đạo các đơn vị TAND hai cấp trong tỉnh sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ, thành lập “Tổ chỉ đạo” để kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn giải quyết các vụ án dân sự của TAND tỉnh và TAND các huyện, thành phố.
Qua đó, trong năm 2022, TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã thụ lý 494 vụ, việc, về dân sự. Trong đó đã giải quyết 468 vụ, đạt tỷ lệ 94,7%. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ án thụ lý tăng 28 vụ, số án giải quyết tăng 15 vụ, tỷ lệ giải quyết giảm 2,5%, cụ thể:
TAND tỉnh: Thụ lý 105 vụ, việc, đã giải quyết 92 vụ việc, đạt tỷ lệ 87,6%; còn 13 vụ chưa giải quyết. Trong đó, giải quyết 19/28 vụ dân sự sơ thẩm, giải quyết 73/77 vụ dân sự phúc thẩm. TAND cấp huyện: Thụ lý 398 vụ việc, đã giải quyết 376 vụ việc; đạt tỷ lệ 96,7%. Kết thúc năm thi đua 30-9-2022, TAND hai cấp còn 26 vụ, việc chưa giải quyết.
Trong dịp Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023 của TAND tỉnh Lạng Sơn. Tòa Dân sự TAND tỉnh đã có bài tham luận “Giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự” với mô hình làm việc “Tổ chỉ đạo”, mục đích là để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn giải quyết kịp thời các vụ án.
Bài tham luận đã được đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC đánh giá cao về mô hình làm việc mới này: “Sau khi nghe báo cáo, tham luận của Tòa Dân sự TAND tỉnh Lạng Sơn, tôi đánh giá cao về phương án làm việc theo hình thức Tổ chỉ đạo như vậy, bởi vì Tổ chỉ đạo có thể nắm bắt kịp thời để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện việc giải quyết án “thời gian tới tôi sẽ báo cáo phương pháp làm việc này lên Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TANDTC để theo dõi và xem xét, nếu hoạt động tốt sẽ cho nhân rộng ra cả nước”, đồng chí Nguyễn Văn Tiến chia sẻ tại Hội nghị.
Để được rõ hơn về tính hiệu quả, cũng như những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện phương pháp làm việc mới theo hình thức Tổ chỉ đạo, phóng viên Báo Công lý đã có buổi trao đổi với đồng chí Chu Lệ Hường, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn.
Đồng chí cho biết: Tổ chỉ đạo với chức năng nhiệm vụ là đôn đốc, hướng dẫn giải quyết án dân sự, với định kỳ hàng tuần tiến hành kiểm tra, rà soát tiến độ giải quyết từng vụ án, đồng thời thông báo kết quả kiểm tra tại các buổi giao ban trực tuyến hai cấp nhằm tăng cường sự kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những yếu kém của Thẩm phán để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả thì Tổ chỉ đạo cũng có khó khăn rất lớn, vì hàng tuần các đơn vị TAND cấp huyện phải tập hợp báo cáo lên, sau đó TAND tỉnh mới cập nhật, thống kê để sáng đầu tuần tiếp theo đưa ra giao ban, họp bàn rồi tìm phương pháp xử lý.
Trong khi đó, lực lượng cán bộ thì mỏng, cộng thêm công việc chuyên môn nhiều nên phải cắt cử, sắp xếp thay nhau làm việc thêm cả những ngày nghỉ cuối tuần mới kịp tiến độ công việc. Nhiều trường hợp có con nhỏ hay có việc đột xuất của gia đình thì rất căng thẳng. Đồng chí Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ thêm.
Để nâng cao được chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án đạt hiệu quả cao, TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã phải rất nỗ lực trong công việc, đồng thời không ngừng học tập, nghiên cứu văn bản pháp luật, nâng cao trình độ, kỹ năng thu thập, đánh giá chứng cứ trong vụ án dân sự. Thường xuyên kiểm tra, rà soát công việc, đổi mới phương pháp làm việc, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong công việc, đảm bảo thực hiện các hoạt động tố tụng thường xuyên, liên tục. Chủ động xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ vụ án theo đúng quy định nhằm dự liệu được các tình huống phát sinh và hướng xử lý.