Đời sống

Sức mua ô tô yếu khiến bảo hiểm xe cơ giới gặp khó

Thành Nam 02/02/2024 13:24

Báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường năm 2023 giảm 25% so với năm 2022.

Mặc dù có tháng cuối năm cao vượt trội, thế nhưng tính chung cả năm 2023, các đơn vị thành viên VAMA có tổng doanh số bán 301.989 xe các loại, giảm tới 25% so với năm trước. Điều đáng chú ý cả ba phân khúc xe đều giảm mạnh, xe ôtô du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm đến 56%.

Tính chung doanh số của VAMA và TC Motor tổng doanh số năm 2023 lên 369.479 xe các loại được bàn giao cho khách hàng trong cả nước. Tính trung bình mỗi tháng thị trường tiêu thụ khoảng 30.789 chiếc.

Mặc dù doanh số tháng cuối năm tăng trưởng đột phá nhưng cũng không bù đắp được doanh số trồi sụt nhiều tháng trong năm qua. Con số cho thấy toàn thị trường ôtô tiêu thụ chưa tới 400.000 chiếc, trong khi năm 2022 đã đạt được mức này.

Theo các chuyên gia, sự đi xuống của toàn ngành ôtô đã được dự báo từ thời điểm giữa năm do diễn biến bất ổn khó lường của kinh tế với sa sút của ngành bất động sản cũng như lãi suất ngân hàng không ổn định, đã góp phần ảnh hưởng đến sức mua của người dân.

Do số lượng xe bán ra cũng như giá xe mới, xe cũ đều giảm mạnh, sức mua thị trường yếu… dẫn đến số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm từng đơn đều sụt giảm so với năm 2022.

hoc-nghe-sua-chua-o-to-1.jpg
Sức mua ô tô yếu khiến bảo hiểm xe cơ giới gặp khó (Ảnh MH).

Được biết, năm 2023, doanh thu nghiệp bảo hiểm xe cơ giới của hãng bảo hiểm này không hoàn thành kế hoạch đề ra cho cả năm (đạt 90%) và chỉ tăng trưởng 4%, trong khi những năm trước luôn tăng trưởng 2 con số. Dù vậy, mức tăng này vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của thị trường trong năm qua (âm 2%).

Có thể thấy, 2023 là năm đầu tiên sau nhiều năm bảo hiểm xe cơ giới không tăng trưởng (năm 2022 tăng 12,45%).

Ngoài nguyên nhân thị trường xe ô tô suy yếu trong năm 2023 dẫn đến việc bán bảo hiểm xe giảm theo, thì còn một nguyên nhân khác là nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh tái cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, giảm tỷ trọng doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường cao.

Theo số liệu cho thấy, tỷ lệ bồi thường của năm 2022 tăng nhanh buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải tái cơ cấu để đảm bảo cân đối thu chi bồi thường, thậm chí một số doanh nghiệp còn chấp nhận tăng phí bảo hiểm, “lựa chọn” khách hàng tốt để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, thay vì chạy theo doanh thu như trước. Đây là một trong những lý do khiến doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới năm 2023 giảm đi rõ rệt.

Hiện còn quá sớm để vẽ bức tranh bảo hiểm cơ giới năm 2024, nhưng khó khăn là hiện hữu bởi quá trình tái cơ cấu các mảng nghiệp vụ lợi nhuận thấp bồi thường cao vẫn đang diễn ra, thị trường tiêu thụ xe vẫn chưa nhìn thấy điểm đột phá tăng trưởng và đặc biệt, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP có quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được giảm phí tối đa 25% đối với sản phẩm bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ làm gia tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, nhất là với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới vốn đã rất khốc liệt như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức mua ô tô yếu khiến bảo hiểm xe cơ giới gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO