Đã có khoảng 13 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi từ đầu tháng 11 đến nay. Mức tăng từ 0,1% - 0,7%/năm... tùy kỳ hạn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 10 vừa qua đã đạt hơn 10% so với cuối năm ngoái, tăng cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng của huy động vốn. Vì vậy, nhiều ngân hàng dự định sẽ tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi, đảm bảo thanh khoản.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cũng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ổn định, khi mới đây Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về lãi suất tiền gửi với các quy định cụ thể về mức lãi suất tối đa cho từng kỳ hạn.
Và bắt đầu từ 20/11, Thông tư 48 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được khuyến mại dưới mọi hình thức.
Cụ thể, lãi suất huy động HDBank điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn. Theo đó, HDBank tăng 0,2%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, và 0,1%/năm kỳ hạn 12-13 tháng. Sau điều chỉnh, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,3%/năm, 12-13 tháng tăng lên lần lượt là 5,6% và 5,8%/năm.
VIB cũng vừa tăng 0,1%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,6%/năm, kỳ hạn 2 tháng tăng lên 3,7%/năm, và kỳ hạn 3-5 tháng tăng lên 3,9%/năm.
VIB là ngân hàng thứ hai sau Agribank hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng 11. Trước đó, ngày 8.11, VIB đã tăng 0,3%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng, và tăng 0,2%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-36 tháng.
Như vậy, tính từ đầu tháng 11 đến nay, có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động, bao gồm: Agribank, ABBank, Techcombank, MBBank, VIB, VietBank, VietABank, IVB, , Nam A Bank, GPBank, LPBank và HDBank. Trong đó, Agribank và VIB đã hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng.