Sự tuyệt vọng của người mẹ sau sai lầm của con gái

Trang Trần| 26/08/2022 14:14

Bà Phương đưa tay ôm ngực, bà ước lúc này trái tim của bà liệt luôn thì hay biết mấy, ít nhất khi liệt nó sẽ bớt đau. Chính nghèo túng đã đặt gia đình bà dưới bất hạnh này chồng thêm bất hạnh khác…

Khuôn mặt thừa góc cạnh, da nhăn nheo rám nắng, bàn tay sần sùi nổi rõ những lằn gân xanh-tím, đôi mắt mờ đục mệt mỏi trú ngụ trong hốc mắt sâu… Có thể nói, sự chật vật, khó khăn, kham khổ hắt ra từ mọi thứ có trên con người bà Nguyễn Thị Phương.

Bà tự nhận, mình là một người mẹ thất bại. Sinh ra nghèo, khiến cái nghèo trở thành gia sản cho các con khi trưởng thành. Hôm nay, con gái bà bị đưa ra xét xử về tội “Giết người”, bị hại không ai khác là con ruột của bị cáo, cũng là cháu ngoại của bà. Bà trách con gái một, bà lại trách bản thân mình đến mười. Là một người mẹ, hơn ai hết bà cũng muốn cho con mình một cuộc sống tốt đẹp, đủ đầy. Nhưng với một người “nghèo truyền kiếp” như bà thì đó chính là điều… xa xỉ. Cho nên, bà luôn sống với những ân hận và day dứt khôn nguôi.

danh-con.jpg
Ảnh minh họa

Ngẫng đầu, người đứng cách không xa là con gái bà- bị cáo Trần Thị Dung (SN 1995, quê Thừa Thiên Huế) đang nghiêm túc trả lời những câu hỏi từ HĐXX, trong lòng bà lại càng nặng nề. Bà biết Dung từ khi nhỏ sống với bà là đứa hiểu chuyện, hiểu chuyện đến mức khiến bà đau lòng. Biết nhà nghèo, Dung chẳng có đòi hỏi nào, đến cả việc học hành cũng sợ làm gánh nặng cho cha mẹ nên chỉ dừng lại ở chỗ biết đọc, biết viết. Đến tuổi yêu đương, Trần Thị Dung nhanh chóng có được người vừa lòng ưng ý nhưng “yêu chơi” thì có, người muốn dừng lại với cô lại không có ai.

Cười khổ với cuộc đời, Dung quyết định vào TP HCM kiếm sống. Nhưng rồi, “người đàn bà mệnh khổ” cứ vậy vận vào Dung. Ở tuổi 25, Dung đã có 5 đứa con với 5 người đàn ông khác nhau, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi. Các con của Dung đều không có cha, bởi khi Dung bụng mang dạ chửa thì người tình cũng bỏ đi. Không nghề nghiệp, không nơi nương tựa, Dung ôm con về quê Thừa Thiên Huế ở với cha mẹ. Quyết định ôm con về quê đối với Dung mà nói là khi cô không còn cách để xoay vần với cuộc sống nơi đất khách. Dung biết, nhà nghèo, cha mẹ kiếm cái ăn hằng ngày đã khó, nếu có mấy mẹ con cô thì chắc chắn khiến họ vạn lần khó. Khổ nỗi, cô không có đường nào khác để tính.

Về quê được thời gian, thấy cuộc sống quá khó khăn, năm 2020 Dung quyết định gửi lại 3 đứa con cho cha mẹ nuôi, rồi ẵm đứa con gái 3 tuổi và đứa con trai út 2 tuổi vào TP.HCM đi ăn xin và bán vé số sống qua ngày. Dung biết, lần nay đi cũng chẳng lấy gì làm hy vọng, chỉ mong sao giảm được chút áp lực “cơm, áo, gạo, tiền” cho cha mẹ mà thôi. Nhưng không ai ngờ, lần ra đi này hóa thành định mệnh… đẩy người làm mẹ như cô thành kẻ sát nhân.

Sáng hôm đó, Dung dậy sớm nấu cháo cho hai con. Đến 6h20’ thì bé Dương- con gái Dung dậy. Dung cho bé đi vệ sinh rồi trở ra nấu nướng. Quay lại, thấy người con vấy bẩn, cơn giận phừng phừng, Dung đánh vào tay và ký vào đầu, mặc cho bé Dương khóc, Dung tiếp tục đẩy con vào phòng dốc ngược lên và đập vào sàn nhà. Bé Dương càng khóc lớn thì cơn thịnh nộ của Dung lại dâng lên, cô tát vào mặt, vào đầu, vào lưng con. Mỗi trận đòn trút xuống, Dung lại hét "chết đi, chết đi". Đến bây giờ hỏi, Dung không nhớ mình đã đánh con gái bao nhiêu cái, chỉ biết khi sực tỉnh lại thì con đã bất tỉnh. Dung vội vàng ôm con chạy ra đường nhờ người chở đi bệnh viện cấp cứu nhưng cuối cùng con cô đã vĩnh viễn rời xa.

Phiên tòa bắt đầu cũng là lúc cuộc đời của Dung được kể lại, đúng là một cuộc đời bi ai. Nghèo khó sống cảnh túng thiếu, năm 17 tuổi Dung sống cảnh đất khách quê người rồi lần lượt có 5 đứa con trong đó có bé Dương. Làm mẹ đơn thân một đứa con đã khó, Dung có hẳn 5 con. Nghèo, đông con, thu nhập từ việc bán vé số không đủ cho mẹ con xoay xở nên Dung sinh ra “bẳn tính”.

Tại tòa, từ đầu đến cuối Dung luôn khẳng định mình rất yêu thương con. Trước câu hỏi của nữ chủ tọa: "Bị cáo nói bị cáo thương con mà sao lại đánh con mình tàn nhẫn như vậy khi bé còn quá nhỏ?", Dung thều thào trả lời: "Trước giờ bị cáo chưa bao giờ đánh con. Hôm đó bị cáo bức bối trong người, vừa buồn vừa lo lắng vì không có tiền gửi về cho mấy đứa con đang ở quê. Bị cáo cũng không biết tại sao lúc đó bị cáo lại làm như vậy". "Bị cáo có biết đánh vào đầu bé Dương là nguy hiểm, có thể gây chấn thương sọ não không?". "Bị cáo nóng giận quá... bị cáo không nghĩ là con sẽ chết... bị cáo sai rồi".

Hành vi của Dung là tội ác, tội đã tước đi mạng sống của một con người, ở đây là Dung đã tước đi mạng sống của con gái mình khi chỉ mới 3 tuổi. Bây giờ Dung biết, bản thân có hiểu ra thì mọi thứ đều đã quá muộn. “Tâm lý bất ổn” đúng là một phần lý do nhưng đó không phải là thứ có thể dùng để bao biện cho hành vi tội lỗi của mình. Dung hiểu rõ điều đó.

Bà Phương đến tòa với vai trò đại diện cho người bị hại, bà liên tục khóc. Xót con, đau cháu… bà là đang bị giằng xé của vô số nỗi đau. Để có mặt tài tòa ngày hôm nay, bà đã phải vay mượn một khoản tiền làm lộ phí từ quê vào Sài Gòn. Bà nói trong ngẹn ngào: “Mấy năm trời mẹ con tui mới gặp lại nhau nhưng trớ trêu lại trong hoàn cảnh thế này. Tui cũng đã nộp đơn xin tòa giảm nhẹ cho Dung để hắn còn về nuôi 4 đứa con nhỏ. Không có nó, mấy đứa cháu tui tội nghiệp lắm”. Lòng bà thêm một lần quặn thắt trước những câu hỏi của vị hội thẩm: "Gia đình bà khó khăn, vợ chồng bà sinh 4 người con nhưng chỉ có 2 người đi học mà học rất thấp, sao bà nhìn thấy Dung sinh tới 5 người con mà bà không khuyên bảo? Với tư cách là người mẹ, đã trải qua hoàn cảnh khó khăn và đông con, thấy con mình như vậy sao không tư vấn, chỉ bảo cho con biết? Đứa trẻ sinh ra không được quyền lựa chọn. Sinh con ra rồi nghèo khó quá lại đổ lỗi lên đầu con".

Không có câu trả lời, chỉ có những giọt nước mắt nặng hạt rớt xuống trên má của người đàn bà lam lũ. Bà muốn, bà rất muốn làm nhiều điều tốt đẹp cho các con và cả những đứa cháu kém may mắn vì xuất hiện trong gia cảnh nghèo của bà, nhưng thật sự bà bế tắc, bà bất lực.

Vì sức khỏe của Dung không đảm bảo, phiên tòa đã tạm hoãn. Rồi đây Dung sẽ phải trả một cái giá đắt cho hành vi của mình, điều đó là đương nhiên. Đáng nói, cả Dung và bà Phương, họ thực sự đúng là hai người đàn bà mệnh khổ. Một người vì quẫn trí đã làm một việc điên rồ, một người vì nhìn con gái vướng cảnh tù tội mà lòng tan tim nát.

Bà Phương, chính là đang bị sự tuyệt vọng dày vò làm cho kiệt quệ…

(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự tuyệt vọng của người mẹ sau sai lầm của con gái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO