Theo Bộ Y tế, trên thế giới chưa có bằng chứng về việc hút thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện, ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá.
Sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh tăng nhanh ở mức báo động
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy, nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5%, giảm 50% ở nhóm tuổi 13-17, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá đã giảm đáng kể tại hầu hết các khu vực có quy định cấm.
Đặc biệt tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong học sinh giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019 ở nhóm tuổi 13-17 và từ 2,5% xuống còn 1,9% ở nhóm tuổi 13-15.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang trở lên ngày càng công khai và phổ biến trong giới trẻ.
Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS) do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần, trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%);
Năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở chung ở học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%. Đến năm 2023, theo báo cáo sơ bộ từ nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong học sinh THCS và THPT tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chung ở nhóm tuổi 11-18 là 7,0%, nhóm tuổi 13-15 là 8,0%.
Học sinh khối cuối của các cấp THCS và THPT có tỷ lệ sử dụng cao hơn các so với các khối còn lại ( khối 8 là 9,1%; khối 9 là 10,4%; khối 11 là 8,2%; khối 12 là 8,9%).
Có thể thấy, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh ở mức báo động: tăng hơn 2 lần (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023).
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế thực hiện năm 2020 về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, riêng đối với phụ nữ và trẻ em gái, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,5%.
Hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi.
Báo cáo cũng có những phân tích chuyên sâu về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe của người sử dụng.
Thuốc lá điện tử không giúp cai nghiện thuốc lá thông thường
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường.
WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện, mà ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá.
Việc người dùng sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử , thuốc lá nung nóng và thuốc lá thông thường đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia.
Cụ thể, như ở Mỹ, bằng chứng cho thấy hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống.
Khoảng 70% người dùng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản và 96,2% người dùng thuốc lá nung nóng ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời thuốc lá nung nóng với thuốc lá điếu truyền thống.
Các số liệu cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng nhắm chủ yếu tới đối tượng là giới trẻ, nguy cơ tác động đến cả một thế hệ trẻ.
Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT.
Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021, trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo báo cáo của Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids, Hoa Kỳ (CTFK), hiện nay đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.
Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei).
Không có quốc gia nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị. 71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu). Việc quản lý có sử dụng các biện pháp phòng ngừa là khác nhau.
Cùng với đó, báo cáo cũng nêu lên những lợi ích nếu nghị quyết được ban hành tới sự phát triển của kinh tế xã hội và người dân.
Dựa vào những phân tích, đánh giá, báo cáo đề xuất ban hành văn bản cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới, căn cứ vào luật pháp hiện hành, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.