Xã hội

Siết chặt kiểm soát thuốc và thực phẩm chức năng giả "tuồn" vào bệnh viện

Lập Nguyễn 18/05/2025 - 12:31

Trước vụ việc Công an TP. Hà Nội vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng giả, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã vào cuộc kiểm tra, rà soát toàn diện trên thị trường, những sản phẩm có nguy cơ tuồn vào hệ thống bệnh viện.

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an TP. Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc và thực phẩm chức năng giả do Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (trú tại số 1, liền kề 11, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) cầm đầu. Đây được đánh giá là vụ án lớn nhất từ trước đến nay về hàng giả trong lĩnh vực y tế.

398-202505171949131.png
Hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau) bị Công an Hà Nội khám xét. Ảnh minh họa: Nguồn internet

Theo cơ quan công an, các đối tượng đã hoạt động từ năm 2020 đến nay, tổ chức sản xuất và phân phối các loại hàng hóa giả dưới danh nghĩa thuốc và thực phẩm chức năng. Đáng chú ý, các sản phẩm này được đưa tiêu thụ tại nhiều nhà thuốc và bệnh viện trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại 20 địa điểm là cơ sở sản xuất, gia công, cất giấu và tiêu thụ hàng hóa giả tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Liên quan đến vụ việc, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi có thông tin phản ánh từ báo chí, Cục đã phát đi công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra, xác minh, báo cáo kịp thời về vụ việc thuốc giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.

Theo ông Tạ Mạnh Hùng, qua rà soát ban đầu dựa trên các hình ảnh và thông tin từ báo chí, các mặt hàng bị thu giữ trong vụ án chủ yếu là thực phẩm chức năng, khả năng không phải là thuốc. “Thuốc rất khó lọt vào bệnh viện hay nhà thuốc bệnh viện vì quy trình đấu thầu rất chặt chẽ và có sự kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, đối với thực phẩm chức năng và thiết bị y tế, nguy cơ bị làm giả và thâm nhập vào hệ thống bệnh viện là có khả năng do khung pháp lý hiện nay chưa chặt chẽ bằng thuốc”, ông Hùng nhận định.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng, hiện tại các đơn vị chức năng đang khẩn trương kiểm tra, rà soát các loại sản phẩm liên quan trong vụ việc để xác định rõ danh mục hàng hóa, chủng loại, mức độ vi phạm cũng như phạm vi phát tán trên thị trường.

Cụ thể, đơn vị dự thầu phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, có tên trên hệ thống đấu thầu quốc gia. Thuốc dự thầu phải được cấp giấy đăng ký lưu hành, nhãn thuốc, hướng dẫn sử dụng, thông tin nhà sản xuất… đều phải đồng nhất với hồ sơ đã được Bộ Y tế phê duyệt. Đặc biệt, cơ sở sản xuất thuốc phải đạt tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices – Thực trạng sản xuất tốt) và được Bộ Y tế đánh giá, công nhận.

“Với quy trình như vậy, thuốc giả gần như không thể lọt được vào các cơ sở y tế hợp pháp, đặc biệt là trong hệ thống bệnh viện công”, ông Hùng khẳng định.

Không giống như thuốc, thực phẩm chức năng hiện nay vẫn được quản lý theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi và khó kiểm soát, Bộ Y tế đang chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định này nhằm siết chặt quản lý đối với nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, các nội dung sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Chính phủ trong thời gian tới. Trọng tâm là nâng cao các điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tăng cường hậu kiểm và quy trách nhiệm rõ ràng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đối với thiết bị y tế, Bộ Y tế cũng đang phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an kinh tế, để giám sát chặt chẽ việc lưu hành, phân phối và sử dụng trong bệnh viện. Việc sản xuất và buôn bán thiết bị y tế giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người bệnh.

Vụ việc vừa qua thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng hàng giả trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là thực phẩm chức năng và thiết bị y tế. Đây là những sản phẩm có thể bị lợi dụng kẽ hở trong quản lý để trà trộn, gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được kiểm soát kịp thời.

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng, từ y tế, công thương đến.... Đồng thời, cần nâng cao ý thức cảnh giác của các nhà thuốc, bệnh viện và người dân trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm y tế.

Cục Quản lý Dược khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, lực lượng quản lý thị trường và các địa phương để kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kiểm soát thuốc và thực phẩm chức năng giả "tuồn" vào bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO