Sau một tuần không mấy đột phá, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?

Tào Đạt (T/h)| 13/06/2021 09:47

BVCL - Tuần vừa qua, giá vàng trong nước và thế giới đều không có nhiều đột phá. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng triển vọng dài hạn của kim loại quý này vẫn tươi sáng, dù trong ngắn hạn vẫn không có mấy khả quan.

Giá vàng trong nước

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM chốt ở mức 56,70-57,30 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra.

Giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội cũng chốt phiên cuối tuần ở mức 56,70-57,25 triệu đồng/lượng.

Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng nhẹ phiên cuối tuần, được niêm yết ở mức 52,86-53,46 triệu đồng/lượng.

Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ giảm nhẹ phiên cuối tuần và chốt ở mức 52,65-53,35 triệu đồng/lượng.

Trong phiên cuối tuần vừa qua, các thương hiệu vàng trong nước không điều chỉnh nhiều nên mặt bằng giá cả vẫn duy trì ở mức cao.

Tuy nhiên, cả tuần qua, giá vàng SJC đã giảm 150.000 đồng; giá vàng Doji giảm 200.000 đồng; giá vàng Rồng Thăng Long giảm mạnh 370.000 đồng và giá vàng NPQ giảm 300.000 đồng mỗi lượng.

gia-vang-btmc.jpg
Ảnh minh họa

Giá vàng thế giới

Trên thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ giảm 20,4 USD xuống 1.877,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 7 trên sàn Comex New York giảm 16,9 USD xuống 1.879,5 USD/ounce.

Đầu tuần, giá vàng thế giới khá yếu và có nguy cơ giảm tiếp trong ngắn hạn trong bối cảnh đồng USD hồi phục tạm thời khi mà đồng euro và bảng Anh lại giảm khá nhanh.

Giữa tuần, giá vàng thế giới quay đầu tăng nhẹ trở lại khi bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khá mạnh xuống dưới ngưỡng 1,5%.

Đến phiên cuối tuần, giá vàng thế giới bất ngờ giảm trong bối cảnh lo ngại tăng cao về khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) rút lại các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sau khi Mỹ công bố lạm phát cao hơn so với kỳ vọng.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ tăng 0,6%, cao hơn so với mức dự tính 0,5%. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 5%, cao hơn mức tăng 4,7% tính đến hết tháng 4.

Sự lo ngại tăng cao khi nền kinh tế Mỹ phục hồi sẽ khiến giá tăng vọt và buộc FED phải rút lại các biện pháp hỗ trợ thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng kinh tế phát triển quá nóng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy kế hoạch phục hồi trị giá 4.000 tỷ USD cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngay cả khi dẫn tới lạm phát tăng cao và khiến FED nâng lãi suất.

Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng triển vọng dài hạn của kim loại quý này vẫn tươi sáng.

Trên Bloomberg, SkyBridge Capital đưa ra dự báo cho rằng, giá vàng sẽ tăng lên các mức cao kỷ lục mới trong năm tới ngay cả khi FED thay đổi chính sách.

Cùng với đó, Fitch Solutions dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trong bối cảnh đồng USD suy yếu và làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới có thể xuất hiện.

Tuy nhiên, chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của Công ty môi giới đầu tư TD Securities nhận định, những diễn biến gần đây đã cho thấy dòng tiền chảy vào các kênh phòng ngừa rủi ro lạm phát đang chậm lại, cũng giống như với dòng tiền đổ vào thị trường vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau một tuần không mấy đột phá, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO