Sản phụ có tử cung đôi, ngôi ngược, vượt cạn thành công

Tuệ Diễm| 02/06/2022 08:00

BVCL - Sản phụ có tử cung đôi, giữ thai ổn định, đón con chào đời an toàn ở tuần thai 39 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, sản phụ Minh Hoa (36 tuổi, ở Bình Dương) mang thai 39 tuần chuyển dạ khó khăn do thai ngôi ngược, cấu trúc tử cung ngăn đôi, lòng tử cung hẹp… Tiên lượng đây là trường hợp sinh khó, có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con, sản phụ đã được chỉ định mổ lấy thai, đưa thai nhi ra ngoài an toàn. Trẻ chào đời khỏe mạnh, nặng gần 3kg, khóc to; sản phụ phục hồi nhanh sau sinh.

Được biết, đây là lần mang thai thứ 3 của sản phụ 36 tuổi. Trước đó, chị mang thai tự nhiên 2 lần nhưng đều sảy thai không rõ nguyên nhân.

Ở lần mang thai lần thứ 3 này, chị cẩn trọng tìm đến bệnh viện có chuyên khoa Sản có đội ngũ chuyên gia giỏi có thể giữ thai, nên chị đi khám và siêu âm thai tại BVĐK Tâm Anh. Tại đây, các bác sĩ phát hiện thai phụ có bất thường tử cung. Nghi ngờ thai phụ bị dị dạng tử cung đôi hiếm gặp, các bác sĩ lên kế hoạch chăm sóc, theo dõi thai kỳ thường xuyên, dự phòng nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh khó do ảnh hưởng của tử cung dị dạng.

tam-anh1.jpg
Trẻ được kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn sau khi chào đời. Ảnh: Tuệ Diễm.

Trong quá trình mổ lấy thai, các bác sĩ kiểm tra tử cung của sản phụ ghi nhận tình trạng hai buồng tử cung riêng biệt, một bên phát triển, một bên kém phát triển. Ở lần mang thai này, thai làm tổ bám vào tử cung phát triển, vì thế thai được nuôi dưỡng đủ ngày đủ tháng.

“Sản phụ có khả năng mang thai, sinh con thuận lợi dù trước đó có hai lần sảy thai liên tiếp có khả năng liên quan đến tử cung đôi. Tuy nhiên, tại thời điểm mổ lấy thai, tử cung giãn nở, có nhiều mạch máu tăng sinh phức tạp, nguy cơ băng huyết sau sinh nên bác sĩ không can thiệp cắt bỏ một bên tử cung”, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi lý giải.

Sau cuộc sinh thuận lợi, sản phụ được bác sĩ giải thích về cơ chế hoạt động của tử cung đôi, cũng như tư vấn về nguy cơ ở những lần mang thai tiếp theo.

Nguy cơ tiềm ẩn từ dị tật tử cung đôi

Theo ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Thảo, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, tử cung đôi là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, điển hình cho trường hợp dị dạng đường sinh dục ở nữ giới. Với phụ nữ có tử cung đôi, cơ hội mang thai của hai tử cung có thể ngang nhau nên đa phần chị em vẫn có đời sống tình dục bình thường, vẫn có khả năng mang thai và sinh nở. Tuy nhiên, một số ít chị em có tử cung đôi sẽ gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống và sức khỏe sinh sản.

Đối với chị em phụ nữ chưa sinh nở có tử cung đôi có thể bị vô sinh, kinh nguyệt thất thường. Dị dạng tử cung đôi có thể làm giảm khả năng mang thai cũng như gây nhiều ảnh đến sức khỏe thai kỳ, đặc biệt là nguy cơ gặp phải các tai biến sản khoa nguy hiểm.

Trong thời kỳ mang thai, do tử cung đôi chia các nhánh động mạch nuôi dưỡng thai nhi sẽ bị phân tán, lòng tử cung hẹp, tử cung co giãn không tốt dễ dẫn đến tình trạng khó thụ thai, sảy thai, thai chậm phát triển thậm chí là chết lưu, sinh non, sinh khó.

tam-anh2.jpg
Cận cảnh tử cung đôi đã được các bác sĩ xử lý sau khi lấy thai. Ảnh: Lê Hùng.

Một trong hai tử cung đôi nếu có một tử cung kém phát triển, hay gọi là tử cung chột. Nếu thụ thai trong tử cung chột, khi thai lớn nhanh trong khi tử cung hạn chế độ co giãn dẫn đến vỡ tử cung, đe dọa sức khỏe và tính mạng của thai phụ. Ngược lại, một số thai phụ có quá trình mang thai thuận lợi, nhưng gặp khó khi sinh do cấu trúc lòng tử cung nhỏ hơn, ngôi bất thường, không quay đầu.

Trong quá trình sinh nở ở phụ nữ có tử cung đôi còn có thể xảy ra tình trạng một bên tử cung mang thai, tử cung còn trở thành khối u tiền đạo, nằm cản trở đường ra của thai. Điều này gây khó sinh, nếu không được mổ lấy thai kịp thời có thể mất cả mẹ lẫn con.

Dự phòng nguy cơ cho phụ nữ có dị dạng tử cung bẩm sinh

“Tử cung đôi không có dấu hiệu nhận biết. Nguy cơ sinh non trong nhóm phụ nữ có dị dạng đường sinh dục nói chung cao gấp 7 lần so với nhóm bình thường. Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần thăm khám phụ khoa, và khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện vấn đề bất thường ở cơ quan sinh sản. Ngoài ra, cần áp dụng phương tiện và kỹ thuật chẩn đoán phù hợp để chẩn đoán chính xác dạng bất thường tử cung trước khi mang thai”, bác sĩ Trần Thị Thanh Thảo cho biết.

Dị dạng tử cung thường được chẩn đoán xác định bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm 2 chiều, 3 chiều, MRI... Theo thống kê, có khoảng 0,4-1% phụ nữ có dị dạng tử cung, tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ sảy thai nhiều lần liên tiếp.

Nếu phát hiện tử cung đôi, tử cung hai sừng khi đã mang thai, thai phụ cần khám thai định kỳ và theo dõi nghiêm ngặt để dự báo nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ, như nguy cơ sinh non, sinh khó.

Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Thảo, khi phát hiện dị dạng tử cung đối với phụ nữ chưa bước vào tuổi sinh sản tùy theo phân độ, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể nguy cơ và kế hoạch có thai cũng như theo dõi thai kỳ. Điều trị phẫu thuật chỉ khuyến cáo cho các trường hợp riêng biệt, cá nhân hóa từng bệnh nhân. Trong trường hợp này, phẫu thuật có thể làm tăng cơ hội mang thai thành công mặc dù có các nguy cơ trong phẫu thuật, có thể là để lại sẹo trên thân hoặc lòng tử cung.

Ở phụ nữ, dị dạng tử cung đôi có thể chỉ có 1 cổ tử cung, 1 âm đạo hoặc mỗi 1 buồng tử cung có một cổ tử cung riêng biệt. Trong vài trường hợp, tử cung đôi sẽ xuất hiện 1 vách ngăn dọc theo âm đạo và chia âm đạo thành 2 ống riêng biệt. Trường hợp phụ nữ bước vào độ tuổi sinh sản, có ý định sinh con nhưng có tử cung đôi và (hoặc có) hai âm đạo nên điều trị phẫu thuật loại bỏ vách ngăn âm đạo, để chuẩn bị cho kế hoạch mang thai và sinh con. BVĐK Tâm Anh đã thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật tạo hình âm đạo cho nhiều ca dị dạng đường sinh dục hiếm gặp, giúp chị em có thể quan hệ tình dục, mang thai và sinh con thuận lợi.

Thai ngôi ngược nên sinh thường hay sinh mổ?

Trong những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi thường di chuyển để đầu bé xuống ở vị trí gần xương mu, tức là đầu sẽ ra khỏi âm đạo trước trong quá trình sinh. Khi thai nhi nằm ở vị trí không thuận lợi, phần mông, chân hay cả hai sẽ ra trước tiên khi sinh, gọi là ngôi ngược (hay ngôi mông). Tỷ lệ ngôi ngược khá thấp (chiếm từ 1 - 3%) trong các ca sinh sinh đủ tháng, nhưng lại có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé nếu không được kịp thời can thiệp đúng cách.

tam-anh3.jpg
Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi (bên phải) thực hiện ca mổ lấy thai cho sản phụ có tử cung đôi. Ảnh: BVĐK Tâm Anh.

Sinh thường hay sinh mổ đối với thai ngôi ngược đều có những rủi ro nhất định, tuy nhiên nguy cơ xảy ra biến chứng khi sinh thường qua ngả âm đạo sẽ cao hơn so với sinh mổ.

Nếu sinh thường ngôi ngược, phần thân dưới của thai nhi ra trước có thể không làm giãn mở cổ tử cung đủ để phần vai và đầu ra sau, mà lại mắc kẹt trong khung chậu người mẹ. Tình trạng sa dây rốn cũng có thể xảy ra trước khi bé được sinh ra, dây rốn trượt vào âm đạo, bị chèn ép làm giảm lưu lượng máu và oxy cung cấp cho thai, gây nguy hiểm cho thai nhi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phụ có tử cung đôi, ngôi ngược, vượt cạn thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO