Quyết tâm giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Mạnh Hưng| 18/11/2022 14:49

BVCL - Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phát triển đời sống đồng bào dân tộc thiều số và miền núi, nhất là công tác giảm nghèo. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Kết quả giảm nghèo đa chiều chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao”.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với giảm nghèo bền vững

Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu của hiện tại nhưng không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững là quá trình có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những quan tâm đặc biệt sâu sắc tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó nêu rõ “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Tại mục VIII về quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, Văn kiện cũng chỉ ra rằng: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc”.

Những kết quả đạt được từ chương trình xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là chương trình 135 trong hơn 30 năm qua là một bước tiến lớn của Việt Nam đã được cả thế giới ghi nhận. Năm 1990 Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nghèo đói, bệnh tật và thất học là hoàn cảnh của nhiều người Việt Nam. Báo cáo của ngân hàng thế giới và chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đã chỉ ra sau hơn 30 năm, từ năm 1993 đến năm 2010, tỷ lệ nghèo giảm từ 58% xuống 20,7% và từ năm 2012 đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm từ 18,1% xuống còn 4,4%. Tỷ lệ nghèo đa chiều của Việt Nam giảm đáng kể.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 2022-2025, thực hiện chuẩn nghèo theo tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng; tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (12 chỉ số), gồm: việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình; dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.

Với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 10,83%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 5,77%. Tỷ lệ hộ nghèo trên phạm vi cả nước đã ở mức dưới 3%.

1(4).jpg
Chuẩn nghèo đa chiều mới giai đọn 2022 – 2025. Nguồn: TTXVN

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Đề ra 4 chỉ tiêu cụ thể:

1. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm.

2. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm.

3. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

4. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

2(2).jpg

Những thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn cao (có nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 61,28% tổng số hộ nghèo trong cả nước). Thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giảm nghèo.

Phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 

Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ ra mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của Vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của Nhân dân, chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển; đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu, đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc.

3(2).jpg
Trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận với giáo dục

Để công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả như mong muốn, thời gian tới cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cơ sở cho đến các cơ quan, ban, ngành chức năng, huy động được sự tham gia của các tổ chức xã hội, sự chung tay của doanh nghiệp, cá nhân…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO