Sáng 29/11, với 474 đại biểu có mặt tán thành (chiếm tỷ lệ 95,95 %), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tăng cường nguồn lực cho Toà án
Theo nội dung Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán Nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Về lĩnh vực Tòa án, Nghị quyết yêu cầu, tăng cường các nguồn lực cho hoạt động của Tòa án; đẩy mạnh cải cách tư pháp để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.
Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là án hành chính; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tiếp tục đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tập trung rà soát số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm từ các năm trước chuyển sang để ưu tiên giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị.
Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Nghị quyết yêu cầu thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, TAND và công tác thi hành án. Chủ động dự báo và giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tiếp tục tăng cường đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, nhất là tội phạm “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm xâm hại trẻ em, mua bán người, tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, tham nhũng...
Nghị quyết cũng yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý, trong đó, đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2025; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân; rà soát, không để có các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân.
Sớm trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy và chữa cháy và các luật có liên quan để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành cơ chế quản lý về bảo đảm an toàn điện.
Thường xuyên rà soát, bổ sung, xây dựng mới, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Sớm hoàn thiện giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và triển khai việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào chương trình học tập, bồi dưỡng, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các địa phương khẩn trương tích hợp, đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy, chú trọng xây dựng mạng lưới giao thông đa dạng, lưỡng dụng và hệ thống cấp nước đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác chữa cháy.
Tập trung đầu tư trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện hiện đại cho lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh trật tự ở địa bàn cơ sở, khu vực biên giới, trên biển; tăng cường tổ chức biên chế, bảo đảm nguồn lực cho lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng có liên quan, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng và thực thi pháp luật
Về lĩnh vực xây dựng, thực thi pháp luật, pháp chế, giám định tư pháp và thi hành án, Nghị quyết yêu cầu tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và các nhiệm vụ bổ sung. Đối với các nội dung qua thực hiện các nhiệm vụ lập pháp và rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 được xác định có bất cập, cần sửa đổi, bổ sung, nhất là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành mới luật, pháp lệnh, nghị quyết, khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng theo quy định, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và đúng thời hạn luật định; khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành hoặc văn bản vừa ban hành đã phải sửa đổi do không phù hợp hoặc ban hành không đúng thẩm quyền; xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện pháp luật, công tác truyền thông về chính sách, pháp luật; đẩy mạnh kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế. Khẩn trương phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao tổng kết Luật Tố tụng hành chính; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế thi hành án hành chính phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giám định tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp.