Hai nội dung được Quốc hội lựa chọn giám sát trong năm 2025 gồm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Chiều 8/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 466/467 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Nghị quyết (đạt tỷ lệ 95,69%).
Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 trước khi các ĐBQH biểu quyết thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sáng ngày 30/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về nội dung này.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại hội trường và ý kiến của các ĐBQH tại phiếu xin ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp để báo cáo Quốc hội về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát và tiếp thu, giải trình ý kiến các ĐBQH.
Cụ thể, về kết quả lựa chọn chuyên đề giám sát, có 237 trên tổng số 386 phiếu từ các ĐBQH (chiếm tỷ lệ 61,4%) chọn giám sát tối cao về Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Có 149 trên tổng số 386 phiếu (chiếm tỷ lệ 38,6%) chọn giám sát tối cao Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Căn cứ kết quả trên, Quốc hội quyết định sẽ giám sát tối cao năm 2025 chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Theo nghị quyết giám sát được thông qua, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025…
Quốc hội cũng xem xét Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cùng với đó, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về: việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận…
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 và dự kiến kế hoạch năm 2026.
Công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2024; tình hình quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2024 cùng nhiều nội dung quan trọng khác sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.