Y tế

Quảng Ninh: Nhiều bệnh nhân cao tuổi nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"

Vũ Đậu 13/08/2024 - 12:22

Đây là bệnh lý nguy hiểm hàng đầu do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (hay còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”) gây ra, khiến bệnh nhân bị hoại tử, suy yếu miễn dịch nặng nề.

benh_nhan_cao_tuoi_mac_benh_whitmore_dang_duoc_dieu_tri_tich_cuc.jpg
Bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh Whitmore. Ảnh minh họa: VOV

Bệnh viện Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết đang điều trị cho 4 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore với biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, diễn biến bán cấp tính gây tổn thương nhiều cơ quan, suy yếu hệ miễn dịch như nhiễm khuẩn huyết, áp xe gan, áp xe cẳng chân, viêm màng não…

Đáng chú ý, nhiều trường hợp bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền nhiễm bệnh có tổn thương nghiêm trọng và thời gian điều trị dài ngày.

Điển hình như bệnh nhân V.T.H. (67 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh đau tủy xương, tăng huyết áp được chuyển từ bệnh viện tuyến trên về, chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, có ổ di trú viêm phổi.

Bệnh nhân Đ.T.D. (62 tuổi, trú tại TP. Uông Bí, Quảng Ninh) có tiền sử đái tháo đường, chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, áp xe cẳng chân…

Bác sĩ CKII Phạm Công Đức - Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Bệnh Whitmore có biểu hiện về lâm sàng rất đa dạng, tổn thương rất nhiều cơ quan và bệnh diễn biến theo hướng bán cấp tính nên là đôi khi thầm lặng, bệnh nhân diễn biến từ từ và khi nhập viện thì đã tổn thương rất nhiều cơ quan. Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời.

Hiện chưa có vacxin phòng bệnh và bệnh không lây từ người sang người.

Cũng theo bác sĩ CKII Phạm Công Đức, phương pháp chẩn đoán bệnh whitmore vẫn là dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, mủ tại phần da bị tổn thương.

Thời kỳ ủ bệnh đối với căn bệnh này từ 1- 21 ngày, có thể kéo dài và khó chẩn đoán.

Việc điều trị bệnh whitmore trên từng trường hợp bệnh nhân sẽ có phương pháp, phác đồ điều trị thời gian khác nhau. Điều trị bằng thuốc hiện nay chủ yếu chia thành 2 giai đoạn - giai đoạn tấn công và giai đoạn duy trì.

Ở giai đoạn tấn công, bênh nhân được điều trị bằng tiêm thuốc kháng sinh đường tĩnh mạch từ 4 đến 6 tuần, thậm chí là 8 tuần với những trường hợp bệnh nặng, sốc nhiễm trùng.

Tiếp đó bệnh nhân về nhà phải duy trì kháng sinh đường uống trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Thời gian điều trị căn bệnh này cần sự tuân thủ điều trị. Bệnh nhân phải tái khám thường xuyên để đánh giá về nguy cơ, diễn biến và tác dụng phụ của thuốc nếu có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Nhiều bệnh nhân cao tuổi nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO