Phú Quốc: Nhiều hecta rừng tại xã Bãi Thơm bị chặt phá để bao chiếm đất

Tâm Phúc - Trọng Tùng| 23/09/2022 18:48

Tại xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, một số đối tượng đã ngang nhiên chặt phá nhiều hecta rừng để bao chiếm đất, trước sự bức xúc của người dân địa phương.

Thời gian qua, nhiều người dân bức xúc phản ánh về tình trạng chặt phá rừng chiếm đất với mức độ nghiêm trọng tại xã Bãi Thơm, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, khu vực rừng thuộc tổ 1, ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm nhiều hecta rừng bị chặt phá tan hoang để bao chiếm đất, phóng viên đã đến khu vực ghi nhận thực trạng này.

Khu vực rừng thuộc địa phận xã Bãi Thơm nơi lâu nay vẫn được người dân tự hào là nơi có tỷ trọng lớn rừng được gìn giữ, với những mảng thực vật nguyên sơ, cây rừng cổ thụ. Tuy nhiên, có vẻ như điều này đang trở thành quá khứ, bởi sau sau các đợt sốt đất, nhiều mảng rừng nguyên sơ bị triệt hạ, đất bị bao chiếm.

Men theo con đường dân sinh vào khu vực rừng thuộc tổ 1, ấp Bãi Thơm. Cách khoảng 500 mét tính từ trục đường chính, một khu vực đất mênh mông lộ ra, cây rừng bị phát trống. Rất dễ dàng nhận ra những gốc cây bị cưa, chặt, bị đốt để thủ tiêu, ước tính khu vực bị phát lên đến hàng hecta.

a1(2).jpg
Khu vực rừng bị chặt phá tại tổ 1, ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm

Một người dân địa phương (xin giấu tên) cho biết, khu vực này là rừng, không có bất cứ ai vào khai hoang hay dựng nhà ở. Nhưng thời gian qua đã bị chặt phá và bao chiếm, việc này gần như ai cũng biết, người dân địa phương rất bức xúc.

Trên khoảng đất trống chồi cây đang mọc lên phủ kín, nhưng chỉ khác xưa là rừng thì nay thuộc dạng “đất có nguồn gốc, có chủ sử dụng”. Giới buôn “đất chỉ” (loại đất chưa rõ pháp lý) mặc định đây là loại đất khai hoang, đủ để sang tay chuyển nhượng kiếm lời.

Cũng theo người dân địa phương, việc phá rừng diễn ra kể từ sau khi cơ quan chức năng cho máy múc đào con mương dài dọc theo bìa rừng (đây có thể đường an ninh phòng cháy chữa cháy). Không biết từ đâu, lời đồn được tung ra rằng đó chính là ranh rừng dự kiến sẽ bị dời đi sau khi ngành chức năng điều chỉnh quy hoạch. Cũng từ đó, diện tích từ con mương đổ về hướng đường ven đảo, các đối tượng vào ngang nhiên chặt phá. Trong khi trước thực trạng hàng trăm hecta rừng tại Phú Quốc bị tàn phá đáng báo động những năm qua, ngành chức năng địa phương cũng như tỉnh Kiên Giang kiên quyết bảo vệ nguyên trạng mảng rừng quý giá tại Đảo Ngọc.

Theo người dân địa phương, việc phá rừng, chiếm đất khu vực tại tổ 1, ấp Bãi Thơm diễn ra gần như công khai, trong thời gian dài và các đối tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 để "ra tay". Người dân thông tin thêm, việc phá rừng diễn ra rầm rộ nhưng không thấy cán bộ UBND xã Bãi Thơm hay cơ quan kiểm lâm xuống hiện trường ngăn chặn và lập biên bản, xử lý một cách kịp thời.

Dời khu vực rừng bị phá tan hoang này, chúng tôi men theo con đường từ Hòn Một đi ấp Đá Chồng, tình trạng “chặt cây sống, trồng cây chết” cũng diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Phía 2 bên vệ đường là mảng xanh được các đối tượng giữ lại nhằm "che mắt" cơ quan chức năng. Nhưng cách đó khoảng mấy mét, hàng ngàn mét vuông rừng bị chặt để lấy “nguồn gốc” khai phá. Thủ đoạn của các đối tượng là chặt phát những cây tầng thấp, sau đó sẽ hạ những cây lớn hơn và cuối cùng triệt hạ những cây cổ thụ. Song song với việc chặt phá cây tự nhiên là trồng thế vào cây nông nghiệp, cây ăn quả hoặc cây lấy gỗ như: điều, tràm, dừa, xà cừ…

a2...jpg
Cây rừng đổ liêu xiêu sau khi bị các đối tượng chặt, phá tại ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm

Chỉ tay về phía bảng bê tông với khẩu hiệu bảo vệ rừng, một người dân địa phương cho biết: “Sau bảng bê tông khẩu hiệu bảo vệ rừng này (khu vực ấp Đá Chồng), cây rừng bị cưa, phát trống trơn. Họ chặt cây rừng nguyên sinh, sau đó trồng cây nhà vào để nhận khai hoang. Thực tế hàng chục năm qua khu vực này là rừng, việc chặt phá này cũng xảy ra sau thông tin cơ quan chức năng sẽ dời ranh rừng vào sâu hơn”.

Khó có thể mô tả hết được mước độ chặt phá, bao chiếm đất xảy ra trên địa bàn xã Bãi Thơm, đối với người dân thì gần như ai cũng biết. Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 06/7/2022 của UBND TP Phú Quốc gửi Đoàn Giám sát chỉ ghi nhận tại xã Bãi Thơm nội dung như sau: “Qua khảo sát 05 vị trí lấn, chiếm đất rừng đặc dụng với diện tích 10.148,9m2”.

Con số trên rất có thể làm “mượt” bản báo cáo nhưng có nói lên sự thật và bản chất của vấn đề phá rừng đã xảy ra tại xã Bãi Thơm? Con số trong báo cáo là của UBND xã Bãi Thơm khảo sát hay cơ quan chức năng của TP Phú Quốc khảo sát? Việc khảo sát có thực hiện đúng nơi, đúng chỗ và đúng thời điểm không?

Con số báo cáo là như vậy nhưng khó có thể che lấp một thực tế những khu đất rừng bị “cạo” trọc hòng thực hiện ý đồ biến tài sản quốc gia thành của riêng, chuyển nhượng kiếm lời.

Nhằm làm rõ những thông tin trên, ngày 11/08, phóng viên đã liên hệ UBND xã Bãi Thơm đề nghị phối hợp cung cấp thông tin. Phóng viên đã đặt ra nhiều nội dung liên quan đến thực trạng rừng bị phá, đất bị bao chiếm trái phép diễn ra trên địa bàn. Nhưng đến thời điểm hiện tại đã hơn 1 tháng trôi qua, UBND xã Bãi Thơm vẫn im lặng một cách khó hiểu. Phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Trọng Thưởng – Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm, ông Thưởng cho biết đang họp và “sẽ kiểm tra lại”.

ubnd-xa-bai-thom.jpg
Trụ sở UBND xã Bãi Thơm

Ngoài ra, phóng viên đã liên hệ với Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc nhưng một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm TP Phú Quốc thông tin vấn đề phát ngôn thuộc về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang. Phóng viên tiếp tục liên hệ qua điện thoại với ông Đoàn Văn Thanh – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang nhưng ông Thanh không nghe máy.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ rừng và bảo tồn biển, ngày 11/08/2022, phóng viên liên hệ UBND TP Phú Quốc. Tại đây, cán bộ UBND TP Phú Quốc tiếp nhận nhưng cũng hơn 1 tháng trôi qua, UBND TP Phú Quốc vẫn chưa có phản hồi thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Quốc: Nhiều hecta rừng tại xã Bãi Thơm bị chặt phá để bao chiếm đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO