Phó thủ tướng: Chuyển xuất khẩu chính ngạch để hạn chế ùn ứ ở cửa khẩu

L.T| 26/02/2022 09:40

BVCL - Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiêu chuẩn xuất hàng tiểu ngạch, có chính sách khuyến khích xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Yêu cầu này được Phó thủ tướng Lê Văn Thành đưa ra tại cuộc họp xử lý hàng hoá ùn tắc tại các cửa khẩu phía Bắc, chiều 25/2.

Theo Phó thủ tướng, hàng hoá tại cửa khẩu được giải phóng, không tồn đọng dịp Tết Nguyên đán, nhưng sau đó, tình trạng ùn tắc lại tái diễn. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, hiện có hơn 3.700 xe hàng đang nằm chờ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn (1.764 xe), Quảng Ninh (1.584 xe), Lào Cai (300 xe) và Cao Bằng.

"Những chính sách giải phóng hàng vừa qua là kịp thời nhưng chưa thực sự căn cơ, chưa giải quyết tận gốc vấn đề và khắc phục triệt để tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu", ông nhận xét.

Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương lập tổ nghiên cứu chính sách quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hoá đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch; cũng như chính sách khuyến khích chuyển đổi xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc. Các chính sách này cần được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ đầu tháng 3.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về xử lý ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu, chiều 25/2. Ảnh: VGP

Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về xử lý ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu, chiều 25/2. Ảnh: VGP

Đại diện các địa phương, bộ ngành cũng cho rằng chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là giải pháp căn cơ về lâu dài.

Bà Đoàn Thu Hà chỉ ra những rủi ro trong xuất khẩu tiểu ngạch, đó là không có hợp đồng chiếm tỷ lệ lớn, hạn chế trong quản lý, thương mại song phương. Dù vậy bà Hà thừa nhận, muốn chuyển từ xuất hàng tiểu ngạch sang chính ngạch cần lộ trình, giải pháp căn cơ.

"Các quy định liên quan đến các cá nhân, tổ chức làm thương mại nông sản, kinh doanh xuất nhập khẩu cũng phải chặt chẽ hơn, từ đó, mới có thể dần thay đổi tập quán giao thương qua đường tiểu ngạch, để chuyển sang chính ngạch", Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn kiến nghị.

Thảo luận trước đó, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Công Thương cho biết, ngoài các lý do từ phía Trung Quốc siết chặt phòng dịch khi vẫn kiên trì chính sách "zero Covid", thì mỗi ngày vẫn có hàng chục xe chở hàng lên các cửa khẩu, mặc những khuyến cáo từ địa phương.

Chẳng hạn, tỉnh Lạng Sơn thông báo dừng nhận xe nông sản tới ngày 5/3 nhưng mỗi ngày vẫn có 50-70 xe lên tỉnh này.

Ông Khánh đề xuất, các địa phương có cửa khẩu thiết lập các vùng đệm, vùng xanh. Tức là, các tỉnh bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để khử khuẩn hàng hóa, phương tiện, xét nghiệm Covid-19 cho tài xế.

"Các phương tiện và lái xe đã được hai bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Theo ông, quy trình hợp tác giao nhận này có thể cải thiện đáng kể hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa nguy cơ ùn tắc. Bởi, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm Covid-19, phía Trung Quốc sẽ ngừng thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, thời gian có thể mất tới 1-2 ngày. Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm Covid-19 trên đất Việt Nam, chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là được.

Đồng tình việc lập các vùng đệm, vùng xanh, nhưng bà Đoàn Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng, hiện chưa có quy định chung, phù hợp với phía Trung Quốc về lập "vùng đệm, vùng xanh" ở các cửa khẩu. Vì thế, nhiều trường hợp "âm tính tại Việt Nam, nhưng lại dương tính theo chỉ số của Trung Quốc".

Bà Hà kiến nghị, các bên liên quan cần trao đổi, thống nhất với phía Trung Quốc về việc công nhận một lần với kết quả xét nghiệm và khử khuẩn hàng hoá.

Ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng cho rằng, cần có quy định thống nhất giữa hai nước về công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 và khử khuẩn hàng hoá.

Ông cho biết, tỉnh Quảng Ninh đang đàm phán với phía Trung Quốc về nơi quản lý và ăn ở tập trung của lái xe chở hàng.

Còn với Lạng Sơn, tỉnh này đã thống nhất với Trung Quốc về thí điểm phương thức giao nhận hàng hoá hạn chế tiếp xúc. Hai bên sẽ áp dụng phương thức này tại cửa khẩu Tân Thanh từ ngày 26/2 và tại cửa khẩu Hữu Nghị từ 1/3 tới. Năng lực thông quan tại Tân Thanh có thể tăng gấp 4-5 lần hiện nay khi áp dụng phương thức giao nhận không tiếp xúc này, lên 150-200 xe một ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó thủ tướng: Chuyển xuất khẩu chính ngạch để hạn chế ùn ứ ở cửa khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO