Chiều 10/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để tiếp tục đánh giá, cập nhật diễn biến tình hình, đề ra các giải pháp ứng phó sau khi Hoa Kỳ vừa tuyên bố hoãn áp dụng thuế đối ứng 90 ngày với các nước, đối tác, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng đánh giá chúng ta đã nắm tình hình, phản ứng chính sách, thực thi chính sách đến thời điểm này kịp thời, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả với tinh thần bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh; không cầu toàn, không nóng vội; coi trọng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán đúng thời điểm, có hiệu quả. Tiếp theo Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đồng ý tuyên bố đàm phán thỏa thuận với Việt Nam với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại hai nước theo hướng cân bằng, bền vững, lâu dài.
Về công việc sắp tới, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải bám sát, nắm chắc diễn biến tình hình phức tạp hiện nay, nhanh chóng, kịp thời, đề xuất các chính sách phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu, phải đặt mục tiêu tiếp tục ổn định tình hình trong nước, ổn định lòng dân, các nhà đầu tư, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, từ đó góp phần vào ổn định khu vực và thế giới, đóng góp vào mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; vẫn phải thúc đẩy phát triển, có phát triển mới có tiềm lực, bảo vệ Tổ quốc, có tiếng nói trong quan hệ quốc tế; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Về mục tiêu cụ thể, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ; ổn định tâm lý các nhà đầu tư, giúp người dân, doanh nghiệp thích ứng linh hoạt tình hình mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường; thúc đẩy và thu hút đầu tư FDI chất lượng hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đặt tổng thể việc này trong sự phát triển chung của đất nước, trong mối quan chung của quan hệ quốc tế; giải quyết vấn đề này nhưng không làm ảnh hưởng vấn đề khác, giải quyết cho đối tác này nhưng không làm ảnh hưởng các đối tác khác; giải quyết công việc này không làm ảnh hưởng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Chúng ta cũng xem đây là một thời cơ để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, số, tuần hoàn, phát triển nhanh và bền vững; tái cấu trúc lại doanh nghiệp để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; góp phần thúc đẩy doanh nghiệp của Việt Nam vươn lên, tham gia các thị trường lớn, chuỗi cung ứng lớn của thế giới.
Thủ tướng lưu ý, không để xảy ra tình trạng thất nghiệp; rà soát lại các đối tượng bị ảnh hưởng nhất là các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản…; thiết kế các chính sách phù hợp, kế thừa các chính sách đã làm trước đây, bảo đảm thời gian phù hợp, đối tượng chính sách chuẩn xác, có trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời điểm, thời gian hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ.
Trên cơ sở đó, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, các Bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các giải pháp nhanh, kịp thời, nhất quán, bảo đảm linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; những công việc gì trước mắt cần làm ngay thì phải làm ngay, những công việc gì cần làm trong dài hạn thì phải làm từng bước.
Về nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể: theo đó, về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành thì phải làm ngay; về miễn thuế, cần tiếp tục tập hợp các luật, đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết vì đây là một việc cụ thể; việc giảm, miễn, hoãn, hoàn thuế VAT phải nhanh, kịp thời, lược bỏ các thủ tục hành chính.
Về phí, lệ phí, tiền thuê đất, phải làm rõ từng loại một, trong đó tiền thuê đất phải làm dứt điểm, mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian thực hiện.
Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đưa thêm nguồn lực vào nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ Tài chính rà soát lại đầu tư công những năm qua, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì phải có chế tài xử lý người đứng đầu. Rà soát các khoản xuất nhập khẩu để giảm thuế; bảo đảm mặt bằng phù hợp, cân đối.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất, cố gắng tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, nhất là ưu tiên cho vay các đối tượng bị tác động; khoanh nợ, đáo nợ, giãn hoãn nợ; đề xuất các giải pháp liên quan như cho vay, ưu đãi như liên quan các chính sách cho nông dân nuôi trồng thủy sản; có gói tín dụng cho đầu tư phát triển hạ tầng, khoa học, công nghệ, giao thông để kích cầu tiêu dùng trong nước; mở rộng các gói tín dụng đang cho vay để tiếp tục cho vay.
Kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; chủ động bảo đảm ngoại tệ cho xuất nhập khẩu, bảo đảm an toàn dự trữ ngoại hối.
Tăng cường cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường phân cấp, phân quyền; thực hiện nghiêm theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ cắt giảm 30% chi phí, thời gian thực hiện và số thủ tục hành chính.
Về nhóm giải pháp chính sách thương mại, Thủ tướng yêu cầu, phải tận dụng, khai thác hiệu quả 17 FTA với trên 60 đối tác; tiếp tục mở thị trường mới như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Nam Mỹ…
Giải quyết tối đa, thỏa đáng các vấn đề thương mại mà Hoa Kỳ quan tâm nhất là hàng rào phi thuế quan, xuất xứ hàng hóa…; tiếp tục mở cửa thị trường với các nước khác, khu vực khác; khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, truyền thống.
Tích cực trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó cân bằng các loại hàng hóa với Hoa Kỳ nhất là máy bay, khí LNG, thúc đẩy thương mại quân sự, an ninh.
Về kích cầu tiêu dùng trong nước, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Xây dựng khẩn trương trình quy định về giảm thuế clinker để thúc đẩy sản xuất xi-măng, tháo gỡ ách tắc cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cho doanh nghiệp về lâu dài thích ứng tình hình mới, hỗ trợ giải quyết kịp thời khó khăn trước mắt; thúc đẩy phát triển cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, kinh doanh, dịch vụ; đẩy mạnh khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà.
Yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng quỹ hỗ trợ đầu tư, thực hiện bảo đảm hiệu quả; xây dựng Cổng đầu tư một cửa quốc gia và triển khai xuống các tỉnh, thành phố; rà soát kịp thời sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật gây cản trở sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính phải thực chất; các bộ, ngành đề xuất ngay và đề nghị Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật.
Về nhóm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, Thủ tướng yêu cầu rà soát số lao động bị ảnh hưởng, đề xuất ngay giải pháp hỗ trợ như thời kỳ đại dịch Covid-19, nhất là hỗ trợ cho người có công, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hỗ trợ cho người lao động bị tác động; hỗ trợ người lao động và cả người sử dụng lao động; kết nối cung cầu lao động để hỗ trợ giải quyết việc làm; nghiên cứu bổ sung các chính sách hỗ trợ như chi phí sinh hoạt tối thiểu cho người lao động; Quỹ bảo hiểm người lao động ; đẩy mạnh chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; sớm trình Luật Lao động; hỗ trợ ngay cho các ngành bị tác động, cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ đoàn viên công đoàn những ngành bị tác động nặng nề liên quan chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp chủ động, tích cực chuyển đổi thích ứng trong tình hình mới; tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc này cần được hỗ trợ vốn, khoa học, công nghệ, quản lý, đổi mới mẫu mã bao bì, bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ.
Về đoàn đàm phán sắp tới, Thủ tướng giao Bộ trưởng Công thương làm Trưởng đoàn cùng các thành viên gồm các cán bộ, chuyên gia của các bộ, ngành phải giỏi chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao; cập nhật ngay tình hình đoàn đàm phán bên Mỹ; Bộ trưởng Công thương sớm trình danh sách đoàn đàm phán, xây dựng kịch bản, phương án cụ thể, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc; quá trình đàm phán bảo đảm tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; bảo đảm lợi ích tổng thể; huy động thêm các chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm bên ngoài tham gia đoàn đàm phán.
Các bộ, ngành, nhất là Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của bạn bè quốc tế, nhất là thông qua các cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Chính phủ ta với các nước; tham khảo các nước đối tác, bạn bè; bảo đảm các cam kết quốc tế, “đã hứa, đã cam kết phải làm”; không để xảy ra gian lận thương mại…; rà soát các luật liên quan hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung; bàn giải pháp để thông qua sớm các luật quan trọng, dùng một luật sửa nhiều luật...