Sự kiện

Nhiều kiến nghị trong ủy thác tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới

Nhóm PV 18/07/2024 - 16:50

Tại Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ 7 diễn ra tại tỉnh Quảng Nam, Chánh án TAND tỉnh An Giang Đỗ Thế Bình đã trình bày tham luận với nội dung “Tình hình thực hiện tương trợ tư pháp của TAND tỉnh An Giang và một số giải pháp tăng cường tương trợ tư pháp giữa Tòa án ba nước”.

Chánh án TAND tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua TAND tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với Tòa sơ thẩm tỉnh Kandal và Tòa sơ thẩm tỉnh Takeo (Campuchia) trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như công tác giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến công dân nước bạn. Từ đó góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Tòa án địa phương nói riêng và mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Campuchia nói chung.

Về tình hình hợp tác phòng, chống và xét xử tội phạm giữa tỉnh An Giang và các tỉnh Kandal và Takeo, Vương quốc Campuchia: Tính từ ngày 01/10/2022 đến ngày 30/6/2024, TAND hai cấp tỉnh An Giang đã tổ chức 23 phiên tòa lưu động/án điểm; đã giải quyết sơ thẩm 165 vụ với 237 bị cáo, trong đó 7 bị cáo là người Campuchia.

dsc_3533.jpg
Chánh án TAND tỉnh An Giang kiến nghị nhiều giải pháp trong ủy thác tư pháp giữa các địa phương có chung đường biên giới.

Ngay sau khi thụ lý vụ án có bị cáo là công dân Campuchia bị tạm giam, TAND tỉnh An Giang đã thông báo cho Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh theo quy để bảo đảm quyền được thăm, gặp, tiếp xúc lãnh sự của các bị cáo này.

Trong công tác xét xử liên quan đến bị cáo là người Campuchia, TAND hai cấp tỉnh An Giang đã xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, đưa ra mức hình phạt phù hợp, thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo biện pháp trừng trị có tính răn đe, đúng quy định của pháp luật Việt Nam đối với tội phạm xuyên biên giới trong tình hình hiện nay.

Đối với việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Campuchia, Chánh án TAND tỉnh An Giang cho biết nhiều năm vừa qua, Tòa án Việt Nam nói chung, TAND tỉnh An Giang nói riêng đều ủy thác cho nước ngoài/vùng lãnh thổ thực hiện một số hoạt động tố tụng trên cơ sở quy định của Hiệp định tương trợ tư pháp, Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Cụ thể, từ 01/10/2022 đến 30/6/2024, TAND tỉnh An Giang đã gửi 250 hồ sơ ủy thác tư pháp ra nước ngoài về tống đạt các văn bản tố tụng trong các vụ án dân sự.

Bên cạnh đó, TAND tỉnh An Giang cũng đã tiếp nhận và thực hiện theo thẩm quyền một số yêu cầu ủy thác tư pháp cho các nước thành viên. Từ 01/10/2022 đến 30/6/2024, TAND tỉnh An Giang đã tiếp nhận và thực hiện 82/82 hồ sơ ủy thác tư pháp đến, đạt tỷ lệ 100%.

Bên cạnh những nội dung đạt được, Chánh án TAND tỉnh An Giang cũng nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện tương trợ tư pháp giữa hai bên. Cụ thể, Hiệp định tương trợ tư pháp không có quy định cho phép Tòa án nơi có chung đường biên giới giữa hai nước trực tiếp tiếp nhận, thực hiện cho nhau yêu cầu tương trợ tư pháp.

Thay vào đó, Hiệp định này quy định Bộ Tư pháp mỗi nước là cơ quan gửi, tiếp nhận yêu cầu ủy thác tư pháp, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp trước khi chuyển cho Tòa án của nước mình. Việc này dẫn đến tình trạng Tòa án các tỉnh còn mất nhiều thời gian khi ủy thác cho nước này thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp.

Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tính thời gian ủy thác tư pháp cho nước ngoài vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có người làm chứng, người bị hại, đương sự ở nước ngoài.

Từ đó, có thể thấy rằng không có khả năng những người ở nước ngoài được Tòa án triệu tập có thể có mặt tại phiên tòa, làm ảnh hưởng đến việc xét xử, ra bản án, quyết định của Tòa án.

Ngoài ra, việc yêu cầu tương trợ tư pháp của Việt Nam với nước ngoài nói chung và Campuchia nói riêng thường chậm có kết quả, trong khi việc giải quyết các vụ án phải tuân thủ thời hạn luật định nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.

Các tài liệu được dịch chưa đúng thuật ngữ pháp luật, chưa logic về ngữ pháp, gây khó hiểu cho Tòa án tiếp nhận. Thông tin cơ bản về đối tượng được cung cấp chưa đầy đủ hoặc không chính xác nên việc xác định đối tượng cụ thể rất mất thời gian, có trường hợp không xác định được.

Từ thực tiễn nêu trên, Chánh án TAND tỉnh An Giang đã nêu lên một số kiến nghị, như hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự cần cụ thể, chi tiết hơn, dự liệu nhiều tình huống phát sinh để tháo gỡ vướng mắc cho các Thẩm phán khi thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp…

Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự (phần yếu tố nước ngoài) theo hướng công nhận giá trị pháp lý của các văn bản điện tử thông báo kết quả nước ngoài thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam; bổ sung vào dự án Luật tương trợ tư pháp do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo quy định.

Thực hiện thông báo và thường xuyên cập nhật thông tin về cơ quan Trung ương của ba nước (địa chỉ, số điện thoại, cán bộ liên lạc…) để xây dựng dữ liệu chung phục vụ hoạt động tương trợ tư pháp cho ba nước, bảo đảm các yếu tố nhanh, chính xác, hiệu quả.

Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, đào tạo, các diễn đàn về tương trợ tư pháp nhằm chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác tương trợ tư pháp giữa các nước.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng: thời gian ủy thác tư pháp cho nước ngoài được tính vào thời hạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài để bảo đảm cho việc tham gia phiên tòa của những người được triệu tập.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều kiến nghị trong ủy thác tư pháp giữa các tỉnh có chung đường biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO