Đời sống

Ngày 31/3/1954: Cuộc chiến đấu ở đồi A1 ở thế giằng co quyết liệt

31/03/2024 15:22

Ngày 31/3/1954 - ngày thứ 2 trong Đợt tiến công thứ 2 của quân ta vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu ở đồi A1 diễn ra ở thế giằng co.

tien-cong-27324.jpg
Bị tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào dùng súng trường bắn tỉa địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đợt tiến công thứ 2 là đợt quan trọng nhất, dài nhất và ác liệt nhất của Chiến dịch

Đợt tiến công thứ 2 là đợt quan trọng nhất của Chiến dịch, dài nhất và ác liệt nhất, bởi vì phân khu trung tâm là phân khu mạnh nhất, vị trí của phân khu lại nằm giữa cánh đồng Mường Thanh, có một hệ thống điểm cao rất lợi hại ở phía Đông bảo vệ.

Sau thắng lợi của đợt 1, chúng ta nhận định rằng, mặc dầu quân ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực của địch, nhưng lực lượng của chúng vẫn còn rất mạnh, vì vậy phương châm tác chiến của chúng ta vẫn là "đánh chắc tiến chắc".

Ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ 2 của Chiến dịch bắt đầu.

Ngày 31/3/1954, bộ đội ta tiếp tục tiến công đồi A1.

Ngày 31/3/1954: cuộc chiến đấu ở đồi A1 ở thế giằng co quyết liệt

- Về phía địch:

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cho thấy rõ sự hỗn loạn và lo lắng của địch: mờ sáng 31/3, De Castries họp với Lănggơle, Padít và Bigia, bàn cách đối phó với tình hình. Lănggơle đề nghị tập trung toàn bộ binh đoàn không vận số 2, gồm tiểu đoàn dù 1, tiểu đoàn dù 8, một bộ phận của tiểu đoàn dù 5, cùng với tiểu đoàn lê dương số 3 và xe tăng từ Hồng Cúm tới để tiến hành phản kích. Toàn bộ lực lượng pháo cũng như xe tăng của tập đoàn cứ điểm sẽ được huy động vào cuộc phản kích.

De Castries cũng khẩn thiết yêu cầu Hà Nội tăng viện.

tien-cong8-27324.jpg
Trong thời gian mở đợt tấn công thứ 2, quân ta vừa dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn dưới mặt đất, vừa bắn máy bay, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sáng 31/3, Navarre vội vã từ Sài Gòn bay ra Hà Nội. 7 giờ 45, Cogny tới gặp Navarre và báo cáo tình hình Điện Biên Phủ đã nắm được từ lúc nửa đêm. Navarre nổi xung quở trách. Cogny cãi lại không tiếc lời. Nhưng rồi hai người vẫn phải ngồi với nhau bàn cách giải quyết yêu cầu của De Castries.

Hai viên đại tá Nicot, chỉ huy không quân vận tải và Sauvagnac, chỉ huy lực lượng dù tăng viện đều thấy không thể thả quân dù ban ngày xuống Mường Thanh.

Bigia, không còn gì để trông chờ, quyết định tập hợp toàn bộ lực lượng cơ động của Mường Thanh gồm các tiểu đoàn đã sứt mẻ để tiến hành phản kích.

Đơn vị dù xung kích 8 lợi dụng màn khói đại bác bò lên điểm cao D1.

- Tại điểm cao D1, về phía ta thì ngược lại, cũng qua cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", cho thấy sự quyết tâm, chiến đấu đến cùng của cán bộ, chiến sĩ ta cho dù có phải hy sinh cả tính mạng của mình: Sau 25 phút, địch chiếm lại gần hết đồi D1, dồn đại đội phòng ngự của ta vào một góc. Tình thế trở nên nguy ngập. Chiến sĩ Trần Ngọc Bội, tổ trưởng tổ 3 người, thét to: "Thà chết không bỏ trận địa!". Những câu nói đúng lúc từ bản thân người lính tại trận địa thường đem lại sức mạnh. Các chiến sĩ vùng lên dùng lửa đạn, lưỡi lê đánh lui những đợt phản kích của địch. Ta dùng pháo bắn chặn và điều lực lượng lên tăng viện. Hai đại đội của ta đã đảo lộn thế trận.

Sau 1 giờ chiến đấu, những tên địch sống sót tháo chạy về Mường Thanh. Bigia đã không chiếm lại được Đôminích 2 mà còn phải bỏ luôn cả Đôminích 6 (D3) và rút trận địa pháo tại Đôminích 5 (210), vì biết những điểm cao này không thể đứng vững nếu đã mất Đôminích 2.

tien-cong1-27324.jpg
Các chiến sĩ xung kích của ta tấn công một vị trí của địch trên khu đồi C. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Vẫn theo Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", tại đồi C1:

- Địch: 1 giờ 30 phút chiều, Bigia trực tiếp chỉ huy hai tiểu đoàn dù 6 và 5 tiến lên C1.

Lần này quân địch đông lại có không quân, pháo binh yểm hộ và xe tăng mở đường. Chúng chiếm được điểm cao Cột Cờ, đẩy những chiến sĩ phòng ngự vào thế bất lợi.

- Ta: Đại đội 273 của Trung đoàn 102 đã có mặt trên điểm cao từ buổi sáng cùng với bộ phận còn lại của Đại đội 35 Trung đoàn 98 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch từ C2 lên định đẩy quân ta ra khỏi đồi.

Các chiến sĩ đã lấy vải dù trắng buộc lên đầu súng làm chuẩn cho pháo binh. Trong lúc pháo ta nổ dồn dập, trung đoàn đưa một bộ phận tăng viện theo đường hào mới đào phía đồi D, cùng với những người phòng ngự đánh bật quân địch khỏi Cột Cờ, khôi phục lại trận địa.

tien-cong7-27324.jpg
Trong đợt tấn công thứ 2, ta tập trung ưu thế binh – hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm. Trong ảnh: Trận chiến đấu ác liệt tại vị trí 206. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong ngày 31/3, bộ đội ta đã đánh lui bảy đợt phản kích của hai tiểu đoàn dù. Chiến sĩ ĐKZ Vũ Văn Kiểm được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng nhất.

16 giờ cùng ngày, Bigia buộc phải ra lệnh rút lui.

Những cuộc phản kích của địch ngày 31/3 đã hoàn toàn thất bại..

- Tại đồi A1:

Khoảng 4 giờ sáng, ta đã chiếm 2/3 cứ điểm. Tuy nhiên, quân địch dựa vào một phần còn lại và hầm ngầm kiên cố tiếp tục chống cự kịch liệt.

Ngay sáng sớm ngày 31/3/1954, địch đưa tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 lên phản kích. Cuộc chiến đấu ở đồi A1 diễn ra giằng co quyết liệt. Đến chiều 31/3/1954, địch chiếm lại được 2/3 cứ điểm đồi A1, ta chỉ còn giữ được 1 phần 3 ở phía Đông Bắc.

Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định thay lực lượng, tiếp tục tiến công A1, đồng thời chỉ thị cho lực lượng ở cả phía Đông và Tây cùng hoạt động để phân tán binh lực địch.

--
[Nguồn: TTXVN; Sách: Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.122, 123; Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.1029, 1030, 1031]

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày 31/3/1954: Cuộc chiến đấu ở đồi A1 ở thế giằng co quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO