Đi lao động nước ngoài trở thành lựa chọn của rất nhiều người Việt Nam. Bởi nếu thuận lợi, sau 3 - 5 năm, người lao động sẽ tích lũy được khoảng 500 - 700 triệu đồng,
Năm 2023 là năm kinh tế không mấy khả quan ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, số lao động đi nước ngoài của Việt Nam tăng cả về số lượng lẫn chất lượng.
Cụ thể, theo thống kê hiện Việt Nam có khoảng 650.000 lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tập trung ở một số thị trường lớn: Nhật Bản khoảng 300.000 người; Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 260.000 người; Hàn Quốc khoảng 50.000 người. Số lao động còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia…
Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% gồm (cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử…). Còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ gồm (chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Trung bình mỗi năm, số lao động Việt Nam đi nước ngoài chiếm xấp xỉ 10% chỉ tiêu việc làm cần giải quyết.
Theo chia sẻ của nhiều người lao động, việc làm việc ở nước ngoài tuy có vất vả hơn nhưng thu nhập cao. Điều đó đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình họ.
Ước tính, trung bình 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Tính chung, người lao động đi làm việc ở nước ngoài bình quân thu nhập cao hơn từ 5 đến 8 lần so với thu nhập trong nước. Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Người lao động sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển sản xuất, quan trọng hơn nữa là tay nghề, trình độ của họ cũng trở thành một nguồn lực quý.
Việc chọn đi lao động nước ngoài đang trở lên phổ biến, thị trường cũng trở lên đa dạng hơn. Theo dự đoán trong tương lai con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa.