Sáng 9/1, phiên toà xét xử 38 bị cáo trong “đại án” Việt Á tiếp tục được diễn ra ở phần tranh tụng.
Trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, bị cáo Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - bị VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án từ 5-6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh, hoàn cảnh thời điểm tỉnh Hải Dương chống dịch COVID-19.
Luật sư Cường cho rằng, từ việc giới thiệu của lãnh đạo Bộ Y tế thời điểm đó (bị cáo Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), cùng các ý kiến tham mưu và hoàn cảnh dịch bệnh tại địa phương, bị cáo Thăng chỉ là người kết luận cuộc họp.
Luật sư cũng chỉ ra rằng, các cuộc họp, thông báo, chỉ đạo, bị cáo không có vụ lợi. Các kết luận đều phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan, cũng như nhận thức của bị cáo về năng lực của Công ty Việt Á.
Luật sư dẫn chứng, thời điểm dịch COVID-19, CDC Hải Dương chỉ có xét nghiệm được 800 trường hợp/ngày, trong khi đó Việt Á khẳng định xét nghiệm 60.000 - 80.000 trường hợp/ngày. Mặt khác về kinh phí cũng không thể khẩn trương được, do đó Hải Dương có vay kit test, sinh phẩm xét nghiệm của Việt Á. Ngoài ra, Việt Á thời điểm đó được tặng thưởng Huân chương, bằng khen thể hiện việc doanh nghiệp này có năng lực.
Luật sư còn dẫn chứng, quá trình chỉ đạo phòng chống dịch, trong 66 văn bản chỉ đạo có tới 62 cái đúng đắn, kịp thời..."Đề nghị HĐXX cân nhắc xem xét để thân chủ được giảm nhẹ hình phạt", Lluật sư trình bày.
Một nữ luật sư cũng bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng cho biết, có hơn 100 giáo viên, cựu học sinh ở địa phương có đơn xin giảm nhẹ cho thân chủ; cùng với hàng chục bằng khen, giấy khen... để đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ.
Cũng trong sáng nay, luật sư của bị cáo Phạm Mạnh Cường - cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương - cũng nhấn mạnh về khó khăn khách quan dẫn đến phạm tội của bị cáo Cường cũng như nhiều bị cáo trong vụ án.
Cụ thể, đó là những bất cập trong các quy định pháp luật về chỉ định thầu, đặc biệt trong bối cảnh cấp bách của dịch bệnh. Việc áp dụng theo quy định sẽ không phù hợp và đáp ứng mục tiêu chống dịch.
Trong khi bản thân bị cáo ký 2 văn bản có nội dung chỉ đạo Việt Á cung cấp kit test cho Hải Dương nhưng cũng trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Xuyên suốt quá trình chống dịch, Phạm Mạnh Cường chỉ liên lạc duy nhất 1 lần với Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Việt Á (qua điện thoại của Tuyến - cựu Giám đốc CDC Hải Dương) để trao đổi về việc xét nghiệm gộp, vì lúc đó chỉ Việt Á làm được. Ngoài ra, bị cáo không có thỏa thuận, trao đổi gì, đồng thời không tham mưu cho lãnh đạo về việc tạo điều kiện gì giúp Việt Á. Quá trình CDC thực hiện ứng kit test, bị cáo cũng nhiều lần chỉ đạo CDC tuân thủ quy định về đấu thầu.
Bên cạnh đó, bị cáo ký nhiều văn bản kêu gọi xã hội hóa công tác chống dịch để giảm gánh nặng cho y tế Hải Dương và tăng thêm hiệu quả vào công tác chống dịch.
Luật sư cũng đưa ra việc có hàng trăm người ở Sở Y tế có đơn xin giảm nhẹ cho Phạm Mạnh Cường, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo mức án thấp hơn đề nghị của VKS.
Trong phần tranh luận trước đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) cho biết, ông Trịnh có gần 30 năm công tác, phục vụ cho nhà nước. Quá trình công tác, bị cáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn cố gắng, cống hiến, hoàn thành tốt công việc được giao.
Theo luật sư, những nỗ lực, cố gắng của bị cáo đã được Đảng, Nhà nước, cơ quan, đồng nghiệp ghi nhận.
“Với trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế hết sức đa dạng, phong phú đã tích lũy được trong quá trình công tác, nếu được tạo cơ hội trở lại với xã hội, cho dù không còn là công chức nhà nước nữa thì bị cáo cũng sẽ tiếp tục lao động, làm việc để có những đóng góp hiệu quả, có ích cho cộng đồng”, luật sư nói tại phiên tòa.
Ngoài ra, luật sư cũng đề cập tới việc bị cáo Nguyễn Văn Trịnh có đơn xin tự thú. Cụ thể, 11 ngày trước khi bị khởi tố, Trịnh đã có đơn xin tự thú gửi Cơ quan CSĐT, chủ động khai báo về toàn bộ sai phạm của mình.
Tại phiên tòa, trong quá trình xét hỏi, bị cáo đã nhất quán, thành khẩn thừa nhận sai phạm của mình, công nhận bản kết luận điều tra, cáo trạng là xác đáng. Từ đó, luật sư mong HĐXX chấp thuận việc tự thú này của bị cáo là tình tiết giảm nhẹ.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Văn Trịnh bị VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án 7 - 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.