Đời sống

Lễ hội Kate 2023: Nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận

Đức Trí - Phan Trà 15/10/2023 11:02

Ngày 14/10, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận long trọng tổ chức Lễ hội Katê truyền thống của người Chăm tại tháp Pô Sah Inư năm 2023. Đây cũng là sự kiện trong chuỗi hoạt động Năm du lịch quốc gia chào mừng 28 năm Ngày Du lịch tỉnh Bình Thuận (24/10).

Niềm tự hào của người dân Bình Thuận

Tại buổi lễ, ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận cho biết: Lễ hội Katê là lễ hội dân gian đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.

Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL phát biểu tại buổi lễ.
Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL phát biểu tại buổi lễ.

Lễ hội Katê có quá trình hình thành, tồn tại lâu đời và được duy trì đến nay. Trong kho tàng di sản văn hóa của người Chăm nói riêng và người dân Bình Thuận nói chung, lễ hội có ý nghĩa rất quan trọng.

Lễ hội Katê phản ánh những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc về phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng; thể hiện sự thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên. Đây còn là dịp thể hiện khát vọng của cộng đồng người Chăm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; thắt chặt tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc…

Lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh tặng hoa cho Ban tổ chức lễ hội.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh tặng hoa cho Ban tổ chức lễ hội.

Tết thường được bắt đầu bằng lễ hội từ các đền, tháp và cuối cùng là các hoạt động vui chơi, đón tết tại nhà. Những ngày này, không khí tại các làng, thôn xóm của người Chăm hết sức nhộn nhịp, rộn ràng. Mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, quây quần bên nhau. Đây cũng là dịp để người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ.

Để bảo tồn, phát huy có hiệu quả giá trị lễ hội phục vụ đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và góp phần phát triển du lịch địa phương, Sở VH-TT&DL tỉnh Bình Thuận đã đề nghị UBND các huyện có đồng bào Chăm Bàlamôn sinh sống quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào duy trì, phát huy các giá trị của lễ hội, khuyến khích việc hướng dẫn, phổ biến rộng rãi về nội dung, ý nghĩa và giá trị của lễ hội trong cộng đồng.

mot-so-hinh-anh-trong-ngay-le....png
Một số hình ảnh trong ngày lễ.

Chính quyền địa phương có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội, ngăn chặn những nguy cơ làm mai một, biến thể hoặc thất truyền các nghi thức trong lễ hội.

Bên cạnh đó, chú trọng gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn phần lễ của lễ hội, từ thời gian, không gian, trình tự, cách thức thực hành các nghi lễ. Đồng thời, duy trì tổ chức phần hội trong lễ hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi, trò diễn dân gian, trình diễn nghề thủ công truyền thống… phù hợp với điều kiện, đặc thù và truyền thống văn hóa của địa phương.

Lễ hội Katê có các hoạt động ở đền, tháp; thôn, xóm và tại các gia đình. Tại đền, tháp có các hoạt động: Lễ đón rước y trang, nghi lễ diễn ra ở các đền, tháp nơi tổ chức lễ hội. Lễ mở cửa đền, tháp.,. Tiếp đến là múa cầu an và dâng lễ, cuối cùng là lễ múa mừng lễ hội Katê với các điệu múa của thiếu nữ Chăm hòa nhịp trong tiếng đàn Kanhi, tiếng trống Baranưng, tiếng trống Ghi-năng và tiếng kèn Saranai.

Cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Lễ hội Katê được diễn ra trong 2 ngày từ ngày 13/10 đến ngày 14/10 hàng năm. Năm nay, lễ hội có phần long trọng do là Năm du lịch quốc gia 2023 chào mừng 28 năm ngày Du lịch tỉnh Bình Thuận 24/10.

mot-so-hinh-anh-trong-ngay-le.-.png
Một số hình ảnh trong ngày lễ.

Những năm qua, bên cạnh về đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và đồng bào Chăm nói riêng, tỉnh Bình Thuận đã, đang bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Chăm như: Bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống, các lễ hội của người Chăm, xây dựng Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm...

Hơn 15 năm qua, Lễ hội Katê được tỉnh Bình Thuận phục dựng tại tháp Pô Sah Inư (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) và trở thành một trong 6 lễ hội tiêu biểu được tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, tình cảm của đồng bào Chăm, lễ hội Katê còn góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh Bình Thuận đến với du khách trong nước và quốc tế.

thap-po-sah-lnu-tai-tinh-binh-thuan.jpg
Tháp Pô Sah lnư tại tỉnh Bình Thuận.

Việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa tiêu biểu ở Bình Thuận không những góp phần vào sự phát triển bền vững văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và bản sắc văn hóa của tỉnh nói riêng, mà còn giúp tỉnh quảng bá hình ảnh, con người Bình Thuận và phát triển du lịch.

Sau khi kết thúc phần lễ sẽ tiếp tục phần hội với những trò chơi dân gian đặc sắc như Hội thi dệt vải, làm gốm, đội nước, múa quạt, đánh cồng chiêng… Những điệu múa, làn điệu dân ca Chăm, cộng hưởng với bản hòa âm của trống Gi Năng, trống Paranưng và kèn Saranai tạo nên một không gian lễ hội thiêng liêng, sống động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Kate 2023: Nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO