Theo số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 62,4% kế hoạch năm.
Người Việt Nam chọn ra nước ngoài lao động để tăng thu nhập đã trở lên ngày một phát triển rộng rãi. Đây cũng được xem là một trong những cách cải thiện kinh tế cực hữu hiệu cho nhiều địa phương hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, số lao động Việt ra nước ngoài làm việc tiếp tục tăng mạnh lên hơn 78.000 người.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là 3 thị trường chủ lực tiếp nhận lao động Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là sang thị trường Nhật Bản (hơn 40.000 người lao động), Đài Loan (Trung Quốc) hơn 27.000 người lao động…
Thị trường châu Âu như Đức, Rumani, Ba Lan… điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ rất tốt nhưng số lượng nhân lực đưa đi còn hạn chế. Còn lao động đến các nước Trung Đông giảm so với các năm trước, do căng thẳng chính trị, thu nhập thấp.
Theo ông Phạm Việt Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước hiện nay, một số nhiệm vụ mà các cơ quan chức năng đặt ra là tiếp tục tăng cường thông tin về nhu cầu và tình hình tại các thị trường tiếp nhận lao động.
Cùng với đó, tăng cường cảnh báo, ngăn chặn tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở một số thị trường, ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều, như đưa lao động sang Australia (dự kiến cần tuyển khoảng 1.000 lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp), sang làm việc tại Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9).
Đồng thời, tăng cường cảnh báo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng. Từ đó đảm bảo sự an toàn và quyền lợi tốt nhất cho người lao động.