Thời sự

Kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp

Theo Báo Chính phủ 26/11/2024 - 17:59

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, địa phương phải bám sát hơn nữa chương trình, kế hoạch về cải cách TTHC để triển khai nhiệm vụ được giao, góp phần tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước...

Sáng nay (26/11), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ có buổi làm trực tiếp kết hợp trực tuyến với 3 bộ (Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông) và 8 địa phương (Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Dương, Tây Ninh) về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Cải cách TTHC - nhiệm vụ trọng tâm được đặc biệt qua tâm chỉ đạo thực hiện

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch với các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu thực hiện đến năm 2025 nhằm cải cách mạnh mẽ quy định TTHC và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, nhất là việc kiểm soát quy định TTHC ngay từ khâu xây dựng chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động các quy định thủ tục trước khi ban hành văn bản, đến rà soát và sửa đổi văn bản đã ban hành để thực thi các phương án đơn giản hóa.

Tuy nhiên, hiện nay các văn bản thực thi phương án đơn giản hóa còn chậm được ban hành, một số phương án đã được phê duyệt nhưng chưa hoàn thành thực thi (Bộ Quốc phòng còn 12 căn bản quy phạm pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông còn 22 văn bản, Bộ Ngoại giao còn 3 văn bản cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung). Việc triển khai rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ tại các bộ, địa phương còn chậm, lúng túng.

Về cải cách việc thực hiện, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, các bộ, địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác này và đạt một số kết quả nổi bật: Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia được thực hiện khá tốt (Cần Thơ). Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh đã kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác. Tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đã được tập trung thực hiện và có kết quả cao tại một số bộ, địa phương (Bộ Quốc phòng, Hải Dương). Chất lượng cung cấp dịch vụ công, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến tiếp tục được cải thiện (Bộ Quốc phòng). Tỉ lệ hài lòng cao trong trả lời phản ánh, kiến nghị (Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Quảng Ninh)...

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại cần chú ý khắc phục, như tình trạng công bố, công khai TTHC chưa đầy đủ, kịp thời; việc thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC, dịch vụ công chưa thực chất, còn phức tạp; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy được hiệu quả, đặc biệt là tỉ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa còn rất thấp, như tại Bộ Ngoại giao, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Ngoài ra, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin dịch vụ công tập trung thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành với hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh còn chậm; có nơi, có chỗ việc triển khai cải cách còn chưa quyết liệt; còn tình trạng nhũng nhiễu, phát sinh thủ tục, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định...

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, đề xuất các kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác cải cách TTHC, nhất là những vướng mắc trong hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; kết nối dữ liệu; liên thông trong cung cấp thông tin về cải cách TTHC; việc bổ sung, hoàn thiện các chức năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia; kết nối, đồng bộ hóa trong xử lý dữ hiệu của hệ thống…

Kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp- Ảnh 2.

Các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được, đề xuất các kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong công tác cải cách TTHC, nhất là những vướng mắc trong hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương… Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Giải pháp căn cơ tạo động lực phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, công tác cải cách TTHC luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp căn cơ tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Những thành tố tạo nên nền hành chính gồm: Thể chế hành chính (hệ thống pháp luật), bộ máy hành chính, công chức hành chính, thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở để thực thi nền hành chính (hiện nay là hạ tầng số và hạ tầng công nghệ thông tin), sự tham gia của người dân vào tiến trình thực hiện và cải cách TTHC.

Nhấn mạnh "Một nền hành chính tốt thì các thành tố trên phải tốt, hoạt động trơn tru, hiệu quả", Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ, cải cách TTHC phải tập trung chủ yếu ở 2 khâu lớn, đó là cải cách quy định TTHC thông qua xây dựng chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và cải cách việc thực thi chính sách, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu là kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, vì người dân; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.

Hoan nghênh và đánh giá cao các bộ, địa phương thời gian qua đã có sự chủ động vào cuộc trong công tác cải cách TTHC và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực; nhiều bộ, địa phương có những cách làm sáng tạo, có các sáng kiến trong thực hiện cải cách TTHC, tuy nhiên Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế còn nhiều mà báo cáo tổng hợp đã nêu, các đại biểu cũng đã đề cập tại cuộc họp, vì vậy các bộ, địa phương, các cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu ý để khắc phục những tồn tại, hạn chế, các vướng mắc đang tồn tại.

Đồng thời phải bám sát hơn nữa chương trình, kế hoạch về cải cách TTHC để triển khai nhiệm vụ được giao, góp phần tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước…

Các bộ, địa phương cũng cần tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình triển khai thực hiện để mang lại hiệu quả thiết thực, vì trên thực tế cho thấy, trong điều kiện, hoàn cảnh tương đồng, nhưng vẫn có địa phương làm tốt hơn.

Kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương phải bám sát hơn nữa chương trình, kế hoạch về cải cách TTHC để triển khai nhiệm vụ được giao, góp phần tạo động lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao niềm tin của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước... - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Nhấn mạnh yêu cầu đặt ra về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, các bộ, địa phương cần đặc biệt quan tâm xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, bảo đảm xây dựng được bộ máy tinh gọn; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tuyển chọn được những người thực sự có tâm, có năng lực, hiểu biết, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho ý kiến cụ thể đối với các kiến nghị, đề xuất của các bộ, địa phương; đề nghị Thường trực Tổ công tác có văn bản tổng hợp, gửi các bộ, cơ quan khác nghiên cứu giải pháp, trả lời bằng văn bản đối với các kiến nghị.

Báo cáo tổng hợp kết quả triển khai nhiệm vụ công tác 10 tháng năm 2024 của 3 bộ, 8 địa phương cho thấy, công tác cải cách, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công được các bộ, địa phương nỗ lực triển khai thực hiện và đạt một số kết quả nổi bật, như: Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 11/35 thủ tục, còn 24 thủ tục chưa đơn giản hóa; Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 101/202 quy định kinh doanh, còn 101/202 quy định chưa thực thi.

Đối với việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư, Bộ Quốc phòng đã cắt giảm, đơn giản hóa 30/52 thủ tục, giấy tờ công dân; Bộ Thông tin và Truyền thông đơn giản hóa giấy tờ công dân đối với 48/68 thủ tục; Bộ Ngoại giao đã cắt giảm, đơn giản hóa 25 thủ tục hành chính.

Về tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia của các địa phương: Cần Thơ đạt 100%, Tây Ninh đạt 98,56%, Hải Phòng đạt 77,17%, Hải Dương đạt 72.06%, Hà Nội đạt 65,82%, TPHCM đạt 39,59%... Tỉ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng đạt 96,76%, Bộ Thông tin và truyền thông đạt 46,53%...

Đối với các địa phương, tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã đáp ứng yêu cầu của Chính phủ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo một nền hành chính thông thoáng, phục vụ hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO