Khuyến cáo khi mua các mặt hàng bánh trung thu rao bán trên mạng

Bảo Vy| 15/09/2021 22:05

BVCL - Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cảnh báo, khi Tết Trung thu đang đến rất gần và dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh thường xuyên rao bán, chạy quảng cáo thường xuyên trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng mua bán online, cộng đồng các khu dân cư,... Mặt hàng bánh trung thu được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, đa dạng về mẫu mã và chủng loại.

banh_trung_thu.png

Mặt hàng bánh trung thu được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, đa dạng về mẫu mã và chủng loại.

Tuy nhiên, việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và các mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro, nhiều đối tượng lợi dụng thương mại để kinh doanh các loại bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Đáng lo ngại, sản phẩm bánh Trung thu rao bán trên mạng có thể chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm; thực phẩm bị hư hỏng biến chất do điều kiện bảo quản không bảo đảm... Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần chọn các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng như có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...; sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng; đảm bảo không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin gồm: Thông tin về chủ sở hữu website (tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…); giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về điều kiện giao dịch chung. Các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng... rõ ràng.

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu. Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, hoặc khi hỏi thông tin, cố tình giấu địa chỉ bán hàng, chỉ nhận đặt hàng qua tin nhắn (inbox), chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.

Được biết, thời gian gần đây, lực lượng chức năng tại các địa phương liên tiếp thu giữ hàng nghìn chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử, ngày 20/8/2021, tại chốt kiểm soát dịch bệnh số 20, tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp Đội CSGT số 15 và Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra xe tải “luồng xanh” BKS 71C-077.XX.

Tại thời điểm kiểm tra, trên xe có 1.000 thùng giấy, mỗi thùng chứa 8 hộp bánh, tổng cộng hơn 200.000 chiếc bánh trung thu nhãn hiệu "con gấu" do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, tương đương khoảng 10 tấn. Lái xe chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, khi kiểm tra trên các sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt Nam. Lái xe khai nhận được thuê chở số hàng trên từ cửa khẩu Lào Cai đi TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

Tiếp đến, ngày 10/9/2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội phối hợp Đội Quản lý thị trường 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội), tiến hành kiểm tra điểm tập kết hàng hóa thực phẩm tại ngõ 72 xóm Minh Khai, xã La Phù, huyện Hoài Đức, do ông Phạm Quang Thạch làm chủ cơ sở.

Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện 11.108 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, được đặt trong 125 thùng caton. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số bánh trên. Chủ cơ sở khai nhận, số bánh này được thu mua trôi nổi trên thị trường với giá giao động từ khoảng 2-3 nghìn đồng/chiếc, sau đó sẽ đóng hộp bán cho người tiêu dùng với giá gấp 4-5 lần để kiếm lời. Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản thu giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Gần đây nhất, chiều ngày 11/9/2021, Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 29H-427.24 tại khu vực cổng số 1, Công viên Hoàng Hoa Thám, TP Bắc Giang, thu giữ hàng ngàn chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên ô tô có 3.600 chiếc bánh trung thu, 800 quả trứng gà muối. Ông N.V.H, sinh năm 1991, trú tại xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa là lái xe, kiêm chủ hàng đã không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đối với số hàng hóa trên.

Quá trình đấu tranh, ông N.V.H khai thu mua hàng hóa trôi nổi tại địa bàn tỉnh Lào Cai, sau đó vận chuyển về TP Bắc Giang tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang phát hiện, kiểm tra.

Công an tỉnh Bắc Giang đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, phương tiện, hàng hóa vi phạm cho Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) để xử phạt theo quy định, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến cáo khi mua các mặt hàng bánh trung thu rao bán trên mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO