Huyện Ea Kar (Đắk Lắk): Cần xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân

Hiếu Lê| 06/10/2022 19:00

BVCL - Theo phản ánh của ông Đặng Quang Chắc (SN 1960) và bà Phan Thị Yến (SN 1975), cùng trú tại xã Cư Elang, huyện Ea Kar, ngoài việc không được hỗ trợ thỏa đáng, không được cấp đất tái định cư, không được hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, trong các buổi tọa đàm, đối thoại họ cũng bị chính quyền địa phương phớt lờ nguyện vọng chính đáng.

Báo Công lý nhận được đơn thư của một số hộ dân trên địa bàn xã Cư Elang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) phản ánh về việc UBND huyện thu hồi đất làm dự án Nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi Ea Tlit (xã Cư Elang) nhưng không được đền bù, hỗ trợ thỏa đáng.

chinh-quyen-phot-lo-nguyen-vong-cua-nguoi-dan.-hinh-1.jpg
Công nhân đang thi công công trình dự án Nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi Ea Tlit (xã Cư Elang).

Theo tìm hiểu, UBND huyện Ea Kar tiến hành triển khai thực hiện công trình từ nguồn vốn trung hạn trên địa bàn, trong đó có dự án Nâng cấp, sửa chữa công trình thủy lợi Ea Tlit (xã Cư Elang). Dự án có vốn đầu tư hơn 28 tỷ đồng, gồm các hạng mục: nâng cấp, mở rộng đập tràn của hồ Ea Tlit; xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước; giải phóng mặt bằng, san ủi 20 ha phục vụ cấp đất sản xuất cho đối tượng dân di cư tái định cư và buôn Vân Kiều (xã Cư Elang).

Đầu năm 2022, UBND huyện Ea Kar ra thông báo thu hồi đất đối với những hộ gia đình, cá nhân có đất nằm trong dự án. Theo biên bản kiểm kê, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc… trên đất khi thu hồi, giải phóng mặt bằng đối với gia đình ông Đặng Quang Chắc ngày 18/3/2022, tổng diện tích 2 thửa đất bị thu hồi của gia đình ông hơn 1,8ha, gia đình bà Phan Thị Yến hơn 2.000m2; trên thửa đất có nhà ở, các công trình phụ như: nhà bếp, chuồng dê, chòi trông cá, giếng đất,…và các loại cây cối hoa màu.

chinh-quyen-phot-lo-nguyen-vong-cua-nguoi-dan.-hinh-2.jpg
Người trực tiếp khai hoang năm 1993 (trú tại Buôn Phê, xã Ea Phê), bên gốc cây còn sót lại.

Ông Chắc và bà Yến nhận được phương án đền bù của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Ea Kar. Cho rằng việc đền bù không thỏa đáng và việc xác định thời điểm sử dụng đất có nhiều vấn đề, gia đình ông Chắc, bà Yến đã làm đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền và UBND huyện Ea Kar, yêu cầu xem xét lại phương án đền bù, giải quyết tái định cư và các hỗ trợ khác cho gia đình. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ông Chắc cho rằng, theo khoản 2 Điều 77, Luật Đất đai 2013, đất của gia đình ông dù không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng vẫn được bồi thường về đất, bởi đất của gia đình ông là đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1/7/2004. Bên cạnh đó, diện tích đất gia đình ông đang trực tiếp sản xuất có nguồn gốc là đất của các hộ gia đình trú tại buôn Phê, xã Ea Phê khai hoang năm 1993, trồng cà phê, bơ, mít, xoài… (ông Chắc đã mời những người trực tiếp khai hoang chứng thực điều này và gửi cho các cấp có thẩm quyền - PV) sau đó bán lại cho ông. Quá trình sang nhượng, cây cối vẫn được chăm sóc và cho thu hoạch nhưng năng suất không cao nên ông đã phá đi và thay thế bằng các cây trồng khác như: vải thiều, dừa xiêm, mít thái… canh tác liên tục cho đến nay.

chinh-quyen-phot-lo-nguyen-vong-cua-nguoi-dan.-hinh-3.jpg
Ông Đặng Quang Chắc trên mảnh đất bị thu hồi mà ông dành rất nhiều tâm huyết.

Theo phương án bồi thường của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Ea Kar, gia đình ông chỉ được hỗ trợ 30% tiền đất, cây cối, hoa màu và vật kiến trúc, tổng số tiền đền bù “vỏn vẹn” 550 triệu đồng, không được bố trí tái định cư và các khoản hỗ trợ khác. Ông Chắc cho rằng, điều này là không đúng theo quy định của pháp luật.

Nói thêm về vấn đề này, ông Chắc còn đặt ra câu hỏi: Tại sao trên cùng một vị trí người được xác minh thời điểm canh tác trước năm 2004 đền bù 80% giá trị; người thời điểm canh tác năm 2008 đền bù 60% giá trị; còn gia đình ông thời điểm canh tác lại xác minh năm 2014 đền bù có 30% giá trị?

Tương tự gia đình ông Chắc, gia đình bà Yến cũng chỉ nhận được hơn 200 triệu đồng tiền đền bù. Bà Yến cho rằng, với phương án đền bù này gia đình không đủ tiền làm lại cái nhà để ở, hơn nữa gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhân khẩu đông mà không được hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. “Như vậy, các cấp chính quyền huyện Ea Kar đã tước đi quyền lợi hợp pháp mà đáng ra gia đình tôi phải được nhận, gây tổn thất về kinh tế, tinh thần cho người bị thu hồi đất”, bà Yến nói.

chinh-quyen-phot-lo-nguyen-vong-cua-nguoi-dan.-hinh-4.jpg
Gia đình bà Phan Thị Yến thuộc diện hộ nghèo, nhân khẩu đông.

Để thông tin khách quan, PV đã trao đổi với ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cư Elang. Ông Thanh cho biết: “Có nhiều hộ dân không phải người ở đây, có một số hộ từ Ea Phê, chúng tôi sẽ mời những hộ liên quan đến làm việc, xác minh thông tin, thu thập tất cả thông tin liên quan”. Ông Thanh cũng khẳng định thêm, hiện xã “đang làm” (xác minh thông tin- PV). Tuy nhiên, trên thực tế sau một thời gian dài PV liên hệ lại, ông Thanh lại không trả lời điện thoại của PV (?).

Trong khi đó, ông Lê Viết Ngọc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất cho biết, đơn vị lập phương án bồi thường dựa trên việc xác minh của UBND xã, theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ea Kar (Đắk Lắk): Cần xem xét giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO