Huyện Bình Chánh: Phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau!

Huỳnh Sang| 17/08/2022 07:59

BVCL - Một trong những thành tựu nổi bật của TP.HCM nhiều năm qua là đã hoàn thành sớm mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo được cả nước đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên toàn quốc. Đóng góp vào kết quả đó, các mô hình giảm nghèo của huyện Bình Chánh đã luôn thể hiện sự đi trước và có ý nghĩa lan tỏa đến nhiều địa phương trong cả nước.

Lồng ghép nhiều chương trình giảm nghèo

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khiến cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn. Đây cũng chính là nguyên nhân chính làm cho những hộ nghèo khó ngày càng khó hơn, hộ cận nghèo dễ rơi vào cảnh tái nghèo…

huyen-binh-chanh-tro-thanh-dia-phuong-dat-tieu-chuan-hieu-qua-trong-ke-hoach-giam-ngheo-thoat-ngheo-trong-nhieu-nam-nay(1).jpg
Huyện Bình Chánh trở thành địa phương đạt hiệu quả trong kế hoạch giảm nghèo, thoát nghèo trong nhiều năm nay

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Bình Chánh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp cụ thể, thực tế địa phương. Tính đến tháng 4/2022 trên địa bàn huyện có 1.891 hộ nghèo chiếm 0.91%, tăng 40 hộ so với cùng kỳ; 1.190 hộ cận nghèo chiếm 0,58% dân số toàn huyện. Nhiều chuyên gia cho rằng, sau thời gian dài phòng chống dịch Covid-19, nhiều gia đình căn bản không có phương án làm ăn trong tình hình mới, mất sức lao động không đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ giảm nghèo dẫn đến “kiệt quệ” về kinh tế.

Để giữ vững thành tựu giảm nghèo, hỗ trợ người dân vượt khó khăn, huyện Bình Chánh đã quyết liệt thực hiện lồng ghép nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Các chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi, y tế, nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tiền điện, giáo dục - đào tạo... đều được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Các chương trình, chính sách giảm nghèo, tạo việc làm hướng tới cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, người nghèo, từ đó tạọ sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo; Thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực trung tâm và vùng ven.

nhu-cau-an-sinh-xa-hoi-duoc-quan-tam-chat-luong-cuoc-song-cua-nguoi-dan-duoc-tang-cao-la-nhung-thanh-tuu-noi-bat-cua-huyen-binh-chanh-sau-thoi-gian-dau-tranh-covid19-.jpg
Nhu cầu an sinh xã hội được quan tâm, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao là những thành tựu nổi bật của huyện Bình Chánh sau thời gian “đấu tranh” với dịch Covid-19

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực phối hợp chặt chẽ với đơn vị cơ sở triển khai thực hiện nhiều chương trình nhân đạo gây quỹ vì người nghèo; Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nguồn lực từ sự đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện nhằm tăng nguồn kinh phí cho thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn “Quỹ Xóa đói giảm nghèo” của huyện tính đến ngày 30/9/2020 là 117.573.674.576 đồng, đã giải quyết cho 5.935 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo vay vốn.

Các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tuyên truyền vận động cộng đồng giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, thi đua sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững... Các chính sách thực sự đi vào cuộc sống của người dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; Đời sống của người nghèo, cận nghèo từng bước được cải thiện.

Lấy “động lực thoát nghèo” của dân làm gốc

Gia đình ông Lê Minh Thanh (ngụ xã Vĩnh Lộc A) thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Cuộc sống của gia đình ông luôn bấp bênh với thu nhập chính từ việc bán vé số. Năm 2021, được sự hỗ trợ của các đoàn thể tại địa phương, ông Thanh tiếp cận với nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của xã Vĩnh Lộc A, số tiền ban đầu được vay là 30.000.000 đồng, ông mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị để sản xuất rau sạch. Đến nay, với diện tích canh tác trên 2.000 m2, gia đình ông Thanh thu nhập bình quân hàng tháng sau khi trừ các chi phí trên 70.000.000 đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động chính và 10 lao động thời vụ, gia đình ông thoát nghèo bền vững.

hoat-dong-thuong-nien-trao-tang-qua-luong-thuc-thuc-pham-cho-nguoi-kho-khan.jpg
Hoạt động thường niên trao tặng quà, lương thực, thực phẩm… cho người gặp khó khăn là mô hình tiêu biểu được huyện Bình Chánh đặc biệt quan tâm để nhân rộng, phổ biến đến từng địa phương trực thuộc

Ông Thanh phấn khởi chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay từ chính sách ưu đãi của Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, có cái ăn, cái mặc, thật sự may mắn. Tôi sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tái đầu tư, đồng hành hỗ trợ những ai có hoàn cảnh giống mình để cùng nhau vượt nghèo, thoát nghèo bền vững”.

Chị Nguyễn Ngọc Thu (ngụ thị trấn Tân Túc) là công nhân làm việc liên tục trong nhiều năm, có chồng chạy xe công nghệ vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống, đặc biệt, kinh tế gia đình dần kiệt quệ khi 4 làn sóng Covid-19 thay nhau tán phá nền kinh tế TP.HCM nói chung và huyện Bình Chánh nói riêng. Nhiều lúc, chị Thu không kìm được nước mắt mỗi khi nhìn thấy nhà trọ hết gạo, hai con nhỏ khát sữa mà trong túi không còn đồng nào.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Túc đã vận động các mạnh thường quân trao tặng cho chị 1 chiếc máy may làm phương tiện sinh kế, nhận hàng về gia công. Siêng năng, cần cù vượt khó đã giúp chị nhận được nhiều đơn hàng, mức thu nhập trung bình mỗi ngày tăng lên từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Đến nay, gia đình chị được công nhận thoát nghèo, đó không chỉ là niềm vui của riêng của chị mà còn là niềm vui của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Tân Túc.

Mỗi người một hoàn cảnh, xuất phát điểm khác nhau, song với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các đoàn thể địa phương cùng với tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo, mỗi năm trên địa bàn huyện Bình Chánh có nhiều hộ gia đình đã đạt được những thành quả xứng đáng, thi đua thoát nghèo, làm giàu, vun đắp cuộc sống gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc…

Có được thành tựu đó, trước hết phải kể đến “lực đẩy” từ các chính sách đặc thù của Thành phố. Điển hình như: Chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 – 2015 theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020. Đây được đánh giá là “đòn bẩy” quan trọng giúp cho hàng nghìn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo trong giai đoạn này. Bước vào những giai đoạn sau, tinh thần vẫn còn nguyên giá trị, hun đúc lên ý chí, quyết tâm, huy động được sự tham gia của mọi lực lượng xã hội vào công tác giảm nghèo ở cả 16 đơn vị trực thuộc trên địa bàn huyện.

lanh-dao-huyen-uy-binh-chanh-trao-giay-khen-cho-cac-dai-dien-dong-gop-thiet-thuc-trong-thoi-gian-qua-.jpg
Lãnh đạo Huyện ủy Bình Chánh trao giấy khen cho đại diện các tập thể đóng góp thiết thực cho công tác giảm nghèo thời gian qua

Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, giúp dân giảm nghèo, xóa nghèo là một trong những chính sách lớn, có vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, giúp nhau vượt qua khó khăn là thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ông Phạm Văn Lũy - Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh trăn trở: “Mục tiêu hàng đầu của huyện là xóa đói giảm nghèo. Mọi giải pháp đều phải dựa vào động lực vượt khó của người dân. Vì nếu chỉ dựa vào sự cố gắng của chính quyền, mà thiếu sự năng động, thiếu quyết tâm thoát nghèo thì kết quả cũng không được như mong đợi”.

Với nhiều giải pháp đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền địa phương và ý thức vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của người dân, công tác xoá đói giảm nghèo của huyện Bình Chánh đã gặt hái nhiều kết quả tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Bình Chánh: Phấn đấu không để ai bị bỏ lại phía sau!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO