Nghị quyết thành lập Huế là thành phố trực thuộc trung ương từ năm 2025 được Quốc hội thông chính thức thông qua.
Sáng 30/11, với 458 ý kiến tán thành trên 461 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỉ lệ 95,62% tổng số đại biểu), Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 4.947,11 km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành phố Huế giáp với thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Biển Đông. Nghị quyết chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tính từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Qua báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tất cả đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Tham gia góp ý cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa hết sức quan trọng, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước.
Giải đáp đối với ý kiến còn băn khoăn về tỷ lệ số đơn vị hành chính đô thị trực thuộc thành phố Huế và chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước còn thấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thành phố Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.
Do vậy, về nguyên tắc sẽ không nhấn mạnh yêu cầu về tỷ lệ đô thị hóa mà chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị.
Việc thành lập thành phố Huế cũng là động lực để triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, có phương hướng và kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể, nhằm tăng cường chất lượng đô thị, phát triển nhanh, mạnh và bền vững kinh tế đô thị, từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn.
Sau khi thành phố Huế trực thuộc Trung ương được thành lập, Chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương cần tiếp tục có biện pháp cải thiện và nâng cao trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút các nguồn vốn đầu tư đa dạng trên địa phương, thúc đẩy quá trình phát triển ổn định.
Đảm bảo sự cân đối và hài hòa trong phát triển, thành phố Huế sẽ lấy bảo tồn và phát huy giá trị di sản làm nền tảng, đồng thời tận dụng những cơ hội mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Các cơ quan chức năng cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với định hướng phát triển của thành phố Huế khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, để trình Quốc hội xem xét và quyết định trong thời gian tới.