Tòa án với công dân

Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật TAND (sửa đổi)

Mai Đỉnh 28/06/2023 - 19:04

Ngày 27/6, TANDTC tổ chức phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật TAND (sửa đổi) để cho ý kiến, thông qua các tài liệu của Dự án Luật Tổ chức TAND thuộc thẩm quyền của Ban soạn thảo, Tổ biên tập.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án Luật TAND (sửa đổi) chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp còn có các đồng chí: Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ - Phó Trưởng ban; Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến - Phó Trưởng ban đồng chủ trì phiên họp; cùng các đồng chí là thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật TAND (sửa đổi).

Cùng dự có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Đ/c Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Đ/c Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSNDTC; Đ/c Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.

ban-soan-thao3.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - Trưởng ban Ban soạn thảo Dự án Luật TAND (sửa đổi) phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban soạn thảo cho biết, trong 8 năm qua, Luật TAND đã phát huy tác dụng, giúp cho hệ thống Tòa án đi vào hoạt động nề nếp cùng với chất lượng ngày càng đi lên. Tuy nhiên, trong thực tiễn, Luật còn tồn tại một số bất cập cần phải giải quyết. Cùng với đó, qua tiến hành tổng kết 8 năm thi hành Luật, TAND các cấp cũng đề xuất rất nhiều ý kiến.

Tiếp theo, Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, một trong những trụ cột của Nghị quyết này là khía cạnh tư pháp trong Tòa án. Và nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần giải quyết đối với một phiên tòa.

Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp "Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử”.

“Yêu cầu đặt ra của Nghị quyết số 27-NQ/TW hướng tới mục tiêu hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa, đáp ứng yêu cầu càng ngày càng cao của Đảng và của Nhân dân. Cho nên, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo TANDTC cũng đã đề xuất tới Quốc hội để sửa đổi Luật Tổ chức TAND”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

ban-soan-thao2(1).jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo Chánh án, dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 vào tháng 10/2023 và tháng 5/2024, Quốc hội sẽ thảo luận lần 2.

Cũng theo Chánh án, để chuẩn bị cho việc này, thời gian qua Lãnh đạo TANDTC đã triển khai nhiều hoạt động liên quan; tổng kết thực tiễn thi hành luật; rà soát các văn bản pháp quy hiện hành; tổ chức các đoàn công tác đi tham khảo luật của nước ngoài về công tác của Tòa án; dịch các dự án luật của nước ngoài, bước đầu hình thành đề cương theo quy định của pháp luật về xây dựng và ban hành văn bản pháp quy.

“Theo đề nghị của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC, chúng tôi cũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập theo đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng xin ý kiến của các Bộ, ban, ngành Trung ương, và được các đồng chí ủng hộ, cử các thành viên. Do đó, chúng tôi hy vọng, hứa hẹn sẽ có nhiều ý kiến đóng góp chất lượng trong việc xây dựng dự thảo Luật này”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

ban-soan-thao.jpg
Các đồng chí thành viên đóng góp ý kiến: Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (giữa); Đ/c Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước (trái); Đ/c Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSNDTC (phải).

Tại phiên họp, đồng chí Lê Thế Phúc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC công bố Quyết định của Chánh án TADNTC thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật TAND (sửa đổi).

Theo quyết định, Ban soạn thảo và Tổ biên tập gồm 16 thành viên, trong đó, ngoài các thành viên là Thẩm phán, cán bộ trong TANDTC, còn có đại diện các cơ quan chức năng thuộc Văn phòng Chủ tịch nước, các ngành và Bộ: Bộ Công an, VKSNDTC, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tòa án Quân sự Trung ương (đại diện Bộ Quốc phòng).

Sau khi nghe công bố quyết định và các kế hoạch liên quan, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cơ bản đồng tình, đồng thời tham gia thảo luận, đóng góp, đề xuất nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm tốt chất lượng Dự án Luật TAND (sửa đổi).

ban-soan-thao1.jpg
Phó Chánh án thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ - Phó Trưởng ban (giữa); Đ/c Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và đại diện Tòa án Quân sự Trung ương (trái) tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Dự kiến dự thảo Luật gồm 150 điều, trong đó: Giữ nguyên 09 điều; sửa đổi, bổ sung 90 điều; xây dựng mới 51 điều. Dự thảo được thiết kế thành 09 chương.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các thành viên trong Ban soạn thảo. Đồng thời yêu cầu, trên cơ sở các ý kiến được trình bày tại phiên họp, Tổ biên tập tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về kế hoạch, cấu trúc, nội dung của dự thảo Luật, chuẩn bị sẵn sàng cho phiên họp lấy ý kiến góp ý tiếp theo của Ban soạn thảo, Tổ biên tập được tổ chức trong thời gian tới.

Đối với các đại biểu tham gia ý kiến bằng văn bản, Chánh án đề nghị sớm gửi về để Ban soạn thảo, Tổ biên tập kịp thời tiếp thu, tập hợp, giải trình và xây dựng hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Luật đúng tiến độ đề ra.

Việc xây dựng Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cần phải quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau đây:

1. Thể chế hoá các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp.

2. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

3. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động của Tòa án; bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm Tòa án hoạt động công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; cải cách chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

4. Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

5. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và Nhân dân đối với tổ chức và hoạt động của Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật TAND (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO